Bảo hiểm y tế: Khó buộc, dễ vỡ

Chiều 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tập trung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Chiều 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tập trung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Chất lượng khám, chữa bệnh có vai trò quyết định

Thẩm tra sơ bộ dự luật, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quan điểm đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Đảng là bảo đảm y tế tối thiểu và… nâng cao hiệu quả sử dụng BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo; đa dạng sản phẩm dịch vụ BHYT phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, điều chỉnh các mức phí, mức hưởng đi đôi với phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao; quy định mức thanh toán BHYT theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm vừa bảo đảm cân đối quỹ theo nguyên tắc “đóng - hưởng”.

Đặc biệt, báo cáo thẩm tra nhận định, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) và y đức có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả BHYT và tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Vấn đề này không chỉ liên quan đến Luật BHYT mà còn liên quan tới các luật khác thuộc lĩnh vực y tế. Mặt khác, khi các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa, đồng thời với thực hiện KCB theo BHYT đã xuất hiện những vấn đề bất hợp lý giữa KCB cho bệnh nhân BHYT với bệnh nhân KCB theo yêu cầu, đã ảnh hưởng đến chính sách BHYT. Vấn đề này phải được khắc phục thì việc sửa đổi Luật BHYT mới có tính khả thi cao. Đây cũng là quan điểm được nhiều ý kiến thành viên UBTVQH tán thành.

Theo báo cáo thẩm tra, việc đảm bảo nguyên tắc “đóng - hưởng” và an toàn quỹ BHYT khi dự thảo Luật BHYT mở rộng mức hưởng BHYT cho một số đối tượng (miễn, giảm cùng chi trả, hạn chế mức tối đa phải cùng chi trả...) sẽ tăng chi quỹ BHYT, trong khi chưa có các biện pháp tăng thu. Một mặt nhìn nhận việc tiến tới BHYT toàn dân “là con đường nhất định phải đi”, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng phải cân nhắc rất kỹ lộ trình mở rộng diện nhà nước chi trả BHYT cũng như mức đóng - hưởng BHYT để đảm bảo cân đối ngân sách. Ông Hiển bình luận: “Ngay trong năm đầu tiên áp dụng luật này ngân sách đã phải tăng chi từ 8.000 - 10.000 tỷ đồng. Nếu tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ KCB thì sẽ lên tới 45.000 - 60.000 tỷ đồng nữa, ngân sách làm sao kham nổi”.

Bắt buộc có “buộc” được không?

Dự thảo do Chính phủ trình quy định rõ BHYT là bắt buộc. Từ năm 2014, nhà nước sẽ tạo cơ chế để áp dụng nguyên tắc bắt buộc tham gia BHYT. Cơ quan thẩm tra đồng tình với quan điểm này, song như chính bà Trương Thị Mai thừa nhận: “Vẫn chưa có cơ chế xử phạt nếu đối tượng không tham gia”. Tính khả thi của quy định bắt buộc tham gia BHYT cũng là băn khoăn của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn. Ông Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý thêm, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, nguồn thu BHXH từ các doanh nghiệp cũng gặp khó, nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHYT bằng cách chỉ ký hợp đồng lao động 3 tháng. Bên cạnh đó, ngoài việc mua BHYT của nhà nước, hiện nay nhiều người dân đã mua bảo hiểm nhân thọ, hoặc thậm chí đưa ra lý lẽ “khi nào đi bệnh viện, tôi sẽ tự trả tiền” thì có ép được họ không... Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng tán thành quan điểm tiến tới “phủ” BHYT toàn dân, song đặt ra không ít câu hỏi: “Nếu đã coi việc tham gia BHYT là bắt buộc thì việc này có được coi là nghĩa vụ công dân không? Sự phù hợp với Hiến pháp, pháp luật như thế nào? Bên cạnh đó, chất lượng KCB đối với BHYT cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào? Cứ như hiện nay, đưa thẻ BHYT ra là nhiều cơ sở y tế tỏ rõ thái độ không muốn phục vụ rồi”.

Chính sách tốt đẹp đã bị méo mó

Sáng 11-9, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 - 2012”. Theo báo cáo, qua thực tiễn 4 năm triển khai, Luật BHYT được đánh giá là một trong những đạo luật được triển khai tương đối kịp thời, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Giai đoạn 2009 - 2012, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012). Có 21 tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng trên 15%. Tuy nhiên, tất cả các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT do Chính phủ và bộ ngành ban hành đều chậm tiến độ từ 1 tháng đến 40 tháng. Quá trình thực thi cũng có rất nhiều bất cập. Qua gần 4.500 lượt kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc, lạm dụng xét nghiệm. Một số cán bộ y tế đã bị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự (tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bình Dương, Kiên Giang, Điện Biên).

Cho ý kiến vào kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 - 2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thẳng thắn: “Đi giám sát nhiều nơi tôi thấy chính sách an sinh về đến địa phương đã bị “biến dạng”. Hiện nay, số kết dư quỹ BHYT 13.000 tỷ đồng, nhưng chưa chắc là điều tốt, bởi nó liên quan đến việc chi trả cho người bệnh. Người có thẻ bảo hiểm kêu là được cấp toàn thuốc vớ vẩn, đi bệnh viện rất cực. Đa phần người có BHYT đến bệnh viện là than vãn”. Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân quan trọng là công tác thanh tra, kiểm tra chưa tốt, pháp luật không nghiêm dẫn đến “vi phạm sau lớn hơn vi phạm trước”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục