Báo hiếu, đừng chờ Vu Lan

Tháng 7 âm lịch, mùa Vu Lan, người ta nhắc nhiều đến chữ hiếu, nhưng đâu phải cứ đợi đến tháng 7 mới bày tỏ lòng hiếu thuận với ông bà, mẹ cha. 
Báo hiếu, đừng chờ Vu Lan

Facebook những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh những người trẻ rủ nhau đi chùa, thả hoa đăng, hay viết những tờ giấy cầu an cùng những dòng đầy cảm xúc về ngày Vu Lan báo hiếu. Những ai còn đủ mẹ cha hạnh phúc khoe bông hồng đỏ cài trên ngực áo. Những ai kém may mắn hơn, một bông hồng nhạt hay màu trắng khẽ cài trước ngực kèm chút chạnh lòng, ngậm ngùi. Thậm chí, trên mạng xã hội còn rất nhiều hội nhóm, nơi các thành viên còn chia sẻ những tâm tình, dòng viết mong cha mẹ suốt đời an yên hay sống đời với con. 

Chữ hiếu trong quan niệm của giới trẻ ngày nay cũng khác đi nhiều. Nếu ông cha ta xưa có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, người trẻ nay lại tâm đắc một câu hát của Đen Vâu: “Đem tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Quan niệm khác nên cách thể hiện hiếu đạo của người trẻ cũng khác. Với nhiều người, họ thích thể hiện tình cảm trên mạng xã hội thông qua việc chia sẻ những hình ảnh gia đình, dòng viết chan chứa cảm xúc. Nhiều người lại chọn cách thể hiện âm thầm hơn, bằng hành động hơn là lời nói. Họ lựa chọn hướng đi “tốc độ thành công của bản thân phải nhanh hơn tốc độ già đi của cha mẹ”. Họ cố gắng sống tốt, có công việc ổn định để giảm bớt phiền lo cho cha mẹ. Nhiều người chọn sống tự lập, đặt mục tiêu mua nhà, mua xe, hay đưa ba mẹ đi du lịch...  

Câu cửa miệng của nhiều người từng trải: “Nếu ai còn cha mẹ hãy báo hiếu, đừng để khi không còn, nghĩ tới thì đã muộn rồi”, cũng được nhiều người trẻ thấm thía. Nhưng báo hiếu không chỉ ở vật chất với những món quà sang trọng, đắt tiền. Một món quà dù rất nhỏ nhưng được trao theo cách trân trọng, đúng tâm nguyện cha mẹ nhiều khi cũng trở nên vô giá. Đặc biệt, báo hiếu bằng tinh thần, giá trị ấy lại càng không gì đong đếm nổi. 

Đa phần các bậc cha mẹ thường ít mong cầu con cái sẽ cho mình những gì về vật chất. Điều mong mỏi lớn nhất chính là sự trưởng thành và tự lập của mỗi người con. Trong cuộc sống bộn bề, về bên gia đình, cùng ngồi xuống ăn bữa cơm nhà cũng là niềm vui vô bờ bến với mẹ cha. Mạng xã hội có thể kết nối để cha mẹ - con cái trò chuyện, nhìn thấy nhau mỗi ngày, nhưng điều đó không thể thay thế không khí tình thân với những cái cái ôm và cả những lời thở than không dám thổ lộ cùng ai.

Không nên chỉ nhìn hiếu thuận là truyền thống, nghĩa vụ, trách nhiệm của con cái, nó còn là hành động gieo nhân, tích phước mỗi ngày. Nhiều người trẻ sau này sẽ lập gia đình, có con, họ cũng trở thành những ông bố bà mẹ đấy thôi… 

Tin cùng chuyên mục