
Một chuỗi mắt xích đan xen nhau giữa cái cao đẹp và dục vọng thấp hèn, giữa khát vọng vươn đến sự đổi mới và sự trì trệ cùng những thủ đoạn… đã dẫn dắt người đọc đến với nông trường cao su đầy biến động trong tiểu thuyết “Bão rừng” của nhà văn Dương Trọng Dật.
Gút thắt của “Bão rừng” được tác giả đặt ra trong cuốn tiểu thuyết là những sai lầm trong công tác tổ chức khi đất nước chuyển mình từ thời chiến sang thời bình. Với một tầm nhìn mang tính khái quát cao, tác giả đã “điểm” trúng một vấn đề cơ bản mang tính thời sự xã hội.

Để có thể thành công trong công việc, điều quan trọng nhất và cũng thể hiện đúng bản lĩnh của người lãnh đạo là biết dùng người. Thế nhưng, trong tiểu thuyết “Bão rừng”, mọi sóng gió bắt đầu khi nhân vật Năm Đen được giao một trọng trách quá tầm so với năng lực của mình. Năm Đen đánh giặc giỏi, có bản tính hào hiệp của một cựu chiến binh, nhưng lại trở nên mờ nhạt trong vai trò giám đốc của một công ty cao su. Chính những nghịch lý ấy đã khiến những cánh rừng cao su không thể xanh tươi mà lại làm nảy sinh những bi bịch.
Từ chiến trường bước vào thương trường, những phẩm chất tốt đẹp, lòng hào hiệp của Năm Đen đã dần bị biến chất, bởi tập hợp xung quanh nhân vật này là những con người xu nịnh, gian xảo và kém năng lực. Rất nhiều thủ đoạn đã được “quân sư” Thịnh bày ra như cái bẫy giăng khắp nông trường nhằm chống lại bất cứ ai cản trở tham vọng quyền lực của Năm Đen. Giữa nơi rừng núi âm u, tưởng chừng như bình lặng lại là nơi làm lòng người biến động. Những con sóng ngầm danh - lợi đã dần đánh bạt Năm Đen càng xa vẻ chân chất, sự hào hiệp ngày nào. Và, giữa biển rừng mênh mông ấy, nổi lên một nhân vật đối lập với những tham vọng đen tối là Lâm - một kỹ sư trẻ, tài năng với khát vọng được cống hiến - bằng sức trẻ, trí tuệ và sự thẳng thắn đã xé toạc vẻ bình yên giả tạo ấy… Và cơn bão rừng thực sự đã nổi lên…
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Dương Trọng Dật đặt hai tuyến nhân vật đối kháng song hành cùng nhau. Nếu như Năm Đen trèo lên cái vòng danh lợi bằng vây cánh của mình cùng những thủ đoạn, thì Lâm chống lại nó bằng khát vọng tuổi trẻ và tâm hồn chân thật. Hai thế lực chênh lệch nhau đến mức ngỡ như cái ác có lúc bao trùm cả nông trường. Thế nhưng, tự trong thẳm sâu tâm hồn, đã có lúc phần “người” trong Năm Đen trỗi dậy và thảng thốt khi đã vu khống và đẩy Lâm vào trại tâm thần: “Như thế có ác quá không?”.
“Bão rừng” đã quét qua nông trường cao su những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng tính thời sự mà tiểu thuyết mang đến cho bạn đọc luôn luôn nóng, đó là cách dùng người trong công việc. Bóng đen có thể phủ xuống bất cứ nơi nào nếu ở đó còn những con người không có tài mà còn kém đức. Cuộc sống khốn khổ của công nhân nông trường cao su vẫn mãi ám ảnh người đọc. Như người lính già Chín Lương từng thẳng thắn nói với Năm Đen: “Sự nghiệp này không chỉ của tôi, của anh mà là cuộc chạy đua tiếp sức của nhiều thế hệ. Phải biết dừng lại đúng lúc. Phải biết trao cờ kịp thời. Nếu không thì chẳng hy vọng điều gì tốt đẹp ở phía trước đâu”.
Duy Xuyên