Cả huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị sau bão số 10 hoang tàn đổ nát như một bãi chiến trường. Máu, nước mắt và cả bao công sức của quân và dân huyện đảo sau 10 năm gầy dựng giờ trở về con số không… Báo SGGP là một trong những đơn vị đầu tiên tiếp cận và trực tiếp trao quà cứu trợ cho các hộ gia đình trên đảo.
Tan hoang Cồn Cỏ
Sáng 7-10, trên con tàu vượt biển chuyên dụng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị neo đậu tại cảng Cửa Việt, ngoài 50 thành viên trong đoàn công tác đặc biệt ra thăm và cứu trợ khẩn cấp huyện đảo Cồn Cỏ do ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị dẫn đầu còn có rất đông người đứng ngồi chật kín các khoang tàu. Sau 2 giờ đánh vật với những con sóng lớn vượt đầu người, tàu đưa đoàn công tác đặc biệt cập bến âu thuyền huyện đảo Cồn Cỏ. Con đường dài khoảng 1km rộng 2m vốn được xây dựng kiên cố bằng bê tông nay đã bị gió bão số 10 và sóng biển băm nát thành nhiều đoạn. Hàng ngàn cây cổ thụ và cả nhưng cây bàng trái vuông 3 - 4 người ôm ở hai bên đường phần bị gió bão quật trốc gốc, phần còn lại trơ trọi như vừa chịu một trận hỏa hoạn khi cành lá đã bị đánh quật tả tơi. Hệ thống đường dây điện cao thế, thông tin liên lạc đứt gãy la liệt. 100% trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở UBND huyện và nhà dân bị sập và tốc mái hoàn toàn…
Huyện đảo vốn được ví như một viên ngọc xanh đối với các hãng lữ hành vẫy gọi khách du lịch trong và ngoài nước giờ hoang tàn như vừa trải qua một cuộc chiến tranh ác liệt khiến nhiều người không khỏi xót xa. Và càng tang thương hơn khi mọi người trong đoàn tận mắt chứng kiến ngôi trường mẫu giáo nằm ngay giữa trung tâm huyện đã bị gió bão san bằng. Hằn sâu trong mắt chưa nguôi nỗi kinh hoàng từ sức tàn phá phá dữ tợn của cơn bão số 10, cô giáo trẻ Hoàng Thị Thắm cho biết: “Các cháu nhỏ ở đây khi đến tuổi học lớp 1 đã được các bậc phụ huynh đưa vào đất liền học tập và ở cùng ông bà. Đây là ngôi trường duy nhất của huyện đảo dành cho các cháu mẫu giáo… Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, cán bộ chiến sĩ bộ đội trên đảo đã ngày đêm nhặt nhạnh và lựa chọn từng tấm tôn bay từ các nóc nhà còn tương đối lành lặn lợp lại căn nhà tốc mái bên cạnh ngôi trường mẫu giáo đổ nát để việc dạy và học của cô trò chúng em không bị gián đoạn kéo dài”.
Chung tay dựng lại đảo Cồn Cỏ
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Quang Lanh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết thiệt hại do bão số 10 gây ra đối với địa phương khoảng 100 tỷ đồng. Đây là số tài sản mất mát vượt sức tưởng tượng của huyện đảo mới thành lập được từ ngày 1-10-2004. Huyện đảo rất cần sự chi viện nhân lực, vật chất từ các tỉnh bạn cũng như Trung ương để người dân sớm vượt qua khó khăn sau bão số 10.
Bão tan đã cả tuần, người dân và cán bộ chiến sĩ trên huyện đảo Cồn Cỏ chống chọi đến sức tàn lực kiệt. Báo SGGP là một trong những đơn vị đầu tiên chung tay với địa phương chia sẻ phần nào khó khăn của bà con trong làng Thanh Niên - ngôi làng đầu tiên và duy nhất với 15 hộ dân trên đảo được thành lập từ năm từ 2001 với chủ nhân là những TNXP của Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Trị. Đại diện Báo SGGP đến từng nhà trong làng thăm hỏi và trao quà hỗ trợ trị giá 1.000.000 đồng/hộ. Đây là một phần kinh phí hỗ trợ khẩn cấp miền Trung khắc phục bão số 10 do toàn thể cán bộ, phóng viên và công nhân viên của Báo SGGP đóng góp mỗi người một ngày lương (tổng cộng khoảng 56 triệu đồng) và Quỹ Cứu trợ thiên tai bão lụt của Báo SGGP do bạn đọc đóng góp hàng năm cũng đã trích 50 triệu đồng.
Quà cứu trợ khẩn cấp của Báo SGGP tuy nhỏ, không với tới hết những mất mát thiệt hại của bà con trên đảo, nhưng trong lúc khó khăn này, bà con đón nhận với tình cảm quý giá. Tiếp nhận món quà cứu trợ cùng bà con chòm xóm giữa đống hoang tàn đổ nát, anh Nguyễn Văn Hiển, Trưởng làng Thanh Niên, nói: “Có 15 triệu đồng mà Báo SGGP hỗ trợ cộng tiền hỗ trợ hôm nay của Tôn Đông Á, mạng di động Mobiphone, Tỉnh đoàn Quảng Trị và chính quyền địa phương thì ngày mai làng sẽ cử những thanh niên trai tráng vượt biển vào đất liền mua vật liệu xây dựng, khẩn cấp sửa chữa và xây dựng lại 15 ngôi nhà bị sập và tốc mái. Cả làng chúng tôi sắp không còn phải sống cảnh màn trời chiếu đất nữa… Cảm ơn Báo SGGP đã dũng cảm vượt qua sóng to gió lớn kịp thời đến với bà con” - anh Hiển nói.
THƯ NAM – VĂN THẮNG
>> Ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai
>> Báo SGGP đến với người dân vùng bão