
Ngày 1-7-2009, tại Bến Tre, Báo SGGP phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo “Du lịch Bến Tre – cơ hội đầu tư và phát triển” với sự tài trợ của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Phước Kiển. Hơn 300 đại biểu là doanh nghiệp, nhà đầu tư từ TPHCM, các tỉnh, thành trong khu vực và địa phương đã về tham dự. Hội thảo nhằm tìm kiếm cơ hội và giải pháp đưa du lịch Bến Tre bứt phá trong thời gian tới.
Nhiều tiềm năng, ít nguồn lực

Du khách thưởng thức trái cây ngay tại nhà vườn của ông Trần Văn Hùng ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: THÁI BẰNG
So với các tỉnh, thành trong vùng, Bến Tre có vẻ như được thiên nhiên ưu ái nhiều mặt: kênh rạch nhiều nhất miền Tây, cây trái nhiều nhất miền Tây và diện tích trồng dừa lớn nhất nước. Suốt chiều dài hàng thế kỷ đò giang cách trở, Bến Tre như 3 hòn đảo nằm cách biệt với đất liền. Miền đất này như bừng bừng sức sống kể từ khi cầu Rạch Miễu chính thức thông xe. Từ cầu Rạch Miễu, tiềm năng du lịch của Bến Tre đã được đánh thức.
Thế nhưng, tiềm năng đó đang vướng phải nhiều cản ngại, nhất là nguồn lực đầu tư – điều kiện không thể thiếu để đưa ngành du lịch xứ dừa bứt phá. Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã khái quát điều đó. Đồng cảm với ông Nguyễn Thái Xây, ông Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP nhận định: “Từ khi có cầu Rạch Miễu, Bến Tre như được mở lòng, dang rộng đôi tay chào đón bạn bè trong và ngoài nước”. Ông Trần Thế Tuyển cho biết thêm: “Sự kiện tổ chức hội thảo hôm nay là bước cụ thể hóa chương trình hợp tác toàn diện giữa 2 địa phương TPHCM và Bến Tre”.
Giới thiệu với các nhà đầu tư về định hướng phát triển du lịch Bến Tre đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL khái quát: “Tiềm năng du lịch của Bến Tre thể hiện rất rõ, ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng nguồn lực đầu tư của địa phương có giới hạn nên trong một sớm một chiều không thể xây dựng hoàn chỉnh các dự án”. Du lịch Bến Tre cũng như con người xứ dừa đang trải lòng mình ra với bè bạn để bạn bè hiểu, chia sẻ. Trong đó, khao khát khai thác thế mạnh để đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành thế mạnh, giúp Bến Tre, từ một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, giàu truyền thống nhân văn vươn lên thoát nghèo là khao khát mãnh liệt nhất.
Theo Sở VH-TT-DL Bến Tre, giai đoạn năm 1996 -2000, tổng mức đầu tư cho ngành du lịch toàn tỉnh chỉ hơn 17,5 tỷ đồng; sang giai đoạn 2001 - 2005, tổng nguồn vốn này đã tăng lên 163,8 tỷ đồng, tăng gấp 9,3 lần so với 5 năm trước đó. 6 tháng đầu năm 2009, dù ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, nhưng nguồn vốn đầu tư vào du lịch cũng trên mức 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ấy vẫn chưa đủ vào đâu so với nhu cầu cải thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch vốn quá khó khăn của địa phương.
Sở hữu nhiều kênh rạch nhất miền Tây nên hệ thống cầu đường ở Bến Tre còn rất khó khăn. Du khách muốn đến vương quốc trái cây Chợ Lách nhưng xe 50 chỗ không... qua cầu được, dù QL 57 đã cải tạo xong. Tuyến du lịch trung tâm gồm Châu Thành, thị xã Bến Tre, Giồng Trôm, Ba Tri với các tài nguyên quan trọng như Cồn Phụng, Cồn Quy, khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Định, khu Di tích lịch sử Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, khu di tích Võ Trường Toản, vườn chim Vàm Hồ... cũng gặp khó khăn không ít do giao thông và thiếu cơ sở lưu trú, điện nước, thậm chí... sóng điện thoại di động. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tâm sự: “Nhiều khi lãnh đạo tỉnh rất đau đầu vì cả tỉnh chỉ có duy nhất 1 khách sạn 3 sao, không biết bố trí ăn nghỉ ra sao!”.
Quyết tâm bứt phá

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định: “Bến Tre sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến với địa phương, cùng địa phương khai thác thế mạnh du lịch”. Là doanh nghiệp tài trợ độc quyền cho hội thảo, ông Phan Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Phước Kiển cho biết: “Với vị trí khá chiến lược (cách TPHCM chỉ 85km), Bến Tre đang ở trong tầm ngắm của các nhà đầu tư”.
Hiện tại, Công ty Phước Kiển đang đầu tư dự án “đô thị du lịch, cộng đồng nhân văn” tại thị xã Bến Tre. Chia sẻ kinh nghiệm với hội thảo, ông Triệu Công Tinh Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Viet Travel đề nghị: “Muốn du lịch Bến Tre bứt phá, ngành quản lý tại địa phương cần phải tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách”. Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Minh Nhựt, Công ty cổ phần Vận chuyển Saigontourist gợi ý Bến Tre nên tiếp tục phối hợp với Báo SGGP mở thêm hội thảo tại TPHCM để mời gọi lãnh sự quán các nước tham dự, để họ giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Bến Tre.
Một trong những khó khăn mà Bến Tre cần vượt qua đó là nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Không ít ý kiến của đại biểu tại hội thảo nhận xét rằng, hướng dẫn viên du lịch của địa phương nhưng chưa đủ khả năng, thậm chí chưa biết tranh thủ giới thiệu văn hóa, lịch sử địa phương với du khách. Sự thua kém của du lịch Bến Tre so các nơi khác trước hết là ở chỗ này. Ông Sonny Son, Tổng giám đốc Anoasiss Resort trăn trở về vấn đề này. Để du lịch Bến tre bứt phá, theo ông Sonny Son, việc đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên ngang tầm là vấn đề cần chú tâm bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.
Điểm yếu và... không khác các địa phương khác trong vùng là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và thiếu điểm nhấn. Được mệnh danh là xứ dừa, con người nơi đây đã biết tận dụng tất cả các thành phần từ thân, lá đến trái dừa. Vỏ dừa có chỉ xơ dừa, mụn dừa. Gáo dừa làm than, làm hàng thủ công mỹ nghệ. Cơm dừa ngoài việc nạo sấy để xuất khẩu, làm dầu dừa, không còn món dừa kho khô để ăn dân dã thường nhật, mà ngày nay chỉ còn là đặc sản ở nhà hàng. Nước dừa làm thạch dừa, nước màu dừa cũng đưa đi xuất khẩu. Thân dừa, cọng lá dừa,… tất cả làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tập trung nhiều ở Hưng Phong (Giồng Trôm), Cồn Phụng (Châu Thành). Các loại đặc sản như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo Mỏ Cày, kẹo Thanh Long, kẹo Bến Tre,… đều có chất liệu của dừa. Vậy thì tại sao không xây dựng cây dừa và ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa làm điểm nhấn?
Rõ ràng, khai thác tiềm năng du lịch ở Bến Tre không đơn giản. Ngoài chính sách ưu đãi, thông thoáng trong thu hút đầu tư, ngoài quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, việc xây dựng ý thức du lịch cộng đồng cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân là hết sức cần thiết. Theo các đại biểu, hội thảo lần này là một góc nhìn mới, mở ra hướng đi mới để doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng với địa phương xây dựng một hình ảnh mới về xứ dừa, hình ảnh du lịch sinh thái miệt vườn độc đáo.
Ông Nguyễn Trúc Sơn – Giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư Bến Tre cho biết, bên cạnh những hướng đi như gắn du lịch Bến Tre với Trà Vinh, Vĩnh Long, Mỹ Tho, nghiên cứu xây dựng chiến lược marketing chung cho cả khu vực, sắp tới, Bến Tre sẽ thành lập trung tâm xúc tiến du lịch, đặt văn phòng ở các vùng trọng điểm để giới thiệu hình ảnh Bến Tre đến với du khách.
Trần Minh Trường