Bão số 4 đổ bộ gây mưa lớn, gió giật mạnh

Rạng sáng nay 28-9, tâm bão số 4 đổ bộ vào khu vực giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam. Lúc 23 giờ đêm 27-9, bão số 4 áp sát đất liền, gây mưa lớn và gió giật tại các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.

Tại TP Đà Nẵng, trong khoảng từ 18 giờ cho đến 23 giờ, mưa lớn và gió giật từng cơn. Toàn bộ người dân Đà Nẵng đóng cửa để tránh bão. Đường phố vắng lặng do lệnh cấm người dân ra khỏi nhà từ 20 giờ cùng ngày, trừ lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống bão. Mưa lớn kéo dài cũng đã làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố như: Hàm Nghi, Quang Trung, Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh…

         Phòng cảnh sát giao thông (Công an TP Đà Nẵng)  thu dọn cây ngã đổ do gió bão đêm 27-9. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong khi đó, khu vực ven biển gió rít mạnh từng hồi, sóng biển cao từ 2-3m. Toàn bộ nhà hàng, khách sạn và nhà dân khu vực ven biển đều níu cửa bằng thanh đà để phòng bão giật. Mưa lớn và gió giật, một số khu vực ở TP Đà Nẵng bị mất điện lúc 23 giờ. Trước đó, 20 giờ cùng ngày, Sở GTVT Đà Nẵng đã đóng cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn, cầu Rồng… và hướng dẫn về nơi tránh trú an toàn.

Theo ghi nhận tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), mưa nặng hạt từng cơn, gió thổi mạnh. Sóng biển cao từ 3-4m, đập đến các kè chắn sóng. Còn tại đảo Cù Lao Chàm - xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An), gió rất mạnh, tuy nhiên chưa có thiệt hại về người cũng như tài sản.

Theo ghi nhận vào lúc 3 giờ sáng cùng ngày, trên địa bàn TP Hội An đã có gió mạnh cấp 9, toàn thành phố đã bị mất điện. Một số công trình như mái che, biển hiệu, mái nhà bằng tôn đã bị gió mạnh xé toạc, gió rít từng cơn. Nhiều cây xanh tại công viên bị gãy cành, ngã đổ.

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, vào lúc 3 giờ, gió các địa phương ven biển đạt cấp 10-11, riêng đảo Cù Lao Chàm có gió giật cấp 12.

Qua hình ảnh ra đa Tam Kỳ, vào lúc 3 giờ xác định tâm bão đang áp sát tỉnh Quảng Nam, chỉ còn cách bờ khoảng 20km. Tại trạm khảo sát Tam Thanh (TP Tam Kỳ) đã ghi nhận gió giật 36,1m/s (cấp 12).

Bão số 4 đổ bộ gây mưa lớn, gió giật mạnh ảnh 2 Tâm bão (dấu +) vào lúc 3 giờ sáng chỉ còn cách bờ biển Quảng Nam 20km. Ảnh: Đài KTTV Quảng Nam              

Rạng sáng cùng ngày, Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội biên phòng Quảng Nam cho biết, lực lượng chức năng vẫn đang cố gắng tiếp cận 3 ngư dân bị mắc kẹt trên thuyền trong khu vực neo đậu của Hải đội 2 (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành).

Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ, 3 ngư dân nói trên đã được các đơn vị chức năng vận động, đưa lên bờ tránh trú. Tuy nhiên, sau đó các ngư dân quay trở lại thuyền. Đến khoảng 0 giờ 30 ngày 28-9, những người này thấy gió mạnh, nổ máy để điều chỉnh ghe thì lực lượng Hải đội 2 phát hiện nhưng hiện không thể tiếp cận do gió quá lớn.

“Thời điểm này gió cấp 11, 12 nên không ai dám ra ngoài. Chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nắm, theo dõi. Khi có thông tin mới sẽ cung cấp thêm”, ông Mẫn nói.

Khuya cùng ngày, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết, bắt đầu từ 21 giờ cùng ngày, hòn đảo này có gió giật mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, biển động dữ dội. Đặc biệt, lúc 22 giờ, gió như gào rú dữ dội, thời tiết vô cùng nguy hiểm. “Chúng tôi đang trú ẩn dưới hầm để bảo vệ an toàn tính mạng. Hiện chưa thể cập nhật được tình hình và số liệu thiệt hại”, ông Thành nói qua điện thoại. 

Theo ghi nhận, đến 22 giờ 30, tại ven biển huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bắt đầu có gió giật mạnh, biển động kèm theo mưa lớn. 

Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, tại thị trấn Cửa Việt đã xảy ra lốc khiến 120 ngôi nhà bị tốc mái, sập; 180 lều quán và các gian hàng ở khu vực chợ Cửa Việt bị tốc, hư hỏng nặng, 4 người bị thương.

Tối 27-9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 ở tỉnh Quảng Trị kết nối với các đầu cầu tại các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tập trung phục vụ lương thực thực phẩm, sẵn sàng ứng cứu các trường hợp bị chia cắt do bão. Xác định bảo vệ các phương tiện trọng điểm, công trình quan trọng ảnh hưởng đến đời sống người dân như đê điều, bệnh viện, hệ thống điện…

Đêm 27-9, tại Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành triệu tập các đầu cầu báo cáo diễn biến tình hình, các ảnh hưởng của bão.

Theo đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc chuẩn bị tích cực, bài bản. Tuy nhiên, yêu cầu các lực lượng luôn trong tư thế trực chiến, sẵn sàng.

Bão số 4 đổ bộ gây mưa lớn, gió giật mạnh ảnh 3 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay, cơn bão này rất mạnh, gió cấp 12, giật cấp 15. Bão vừa có mưa, mực nước biển dâng cao lại diễn ra trong ban đêm. Nhiệm vụ của các lực lượng phòng chống bão phải đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo báo cáo của các địa phương, tỉnh Quảng trị có mưa vừa, gió khoảng cấp 4. Thiệt hại do lốc xoáy tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh hồi 15 giờ 30 phút 27-9 với nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn), 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, huyện đảo Cồn Cỏ mở 2 trường học để cho người dân trú ẩn khoảng 400 người.

TP Đà Nẵng có nơi mưa to, gió lớn. Tại âu thuyền Thọ Quang, vẫn còn khoảng 60 người vẫn đang ở dưới thuyền. Hiện nay gió lớn, biên phòng không tiếp cận được. TP Đà Nẵng đang chuẩn bị phương án cứu hộ khi cần.

Tại cuộc họp ở đầu cầu Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, khu vực ven biển và ven sông Hàn có một số cây ngã đổ, mực nước biển chưa cao. Đà Nẵng đang sẵn sàng ứng phó với bão trong 2-3 giờ tới. Về việc 60 ngư dân còn trên thuyền, ông Chinh cho hay đã nỗ lực hết sức vận động nhưng các ngư dân trốn tránh. Hiện lực lượng biên phòng đang túc trực để ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa, gió khoảng cấp 5. Một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh (huyện Lý Sơn).

Tin cùng chuyên mục