Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, phát triển con người TPHCM

Đảng bộ TPHCM luôn chú trọng xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, phát triển con người thành phố dựa trên những nét đặc trưng, tính cách năng động, sáng tạo, tiên phong, đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.

Sáng 12-6, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 4.487 điểm cầu trong cả nước với hơn 20.000 đại biểu tham dự.

Tham dự tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức.

Lãnh đạo Thành ủy TPHCM tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lãnh đạo Thành ủy TPHCM tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ

Từ điểm cầu TPHCM, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê nhắc lại những khó khăn từ làn sóng lần thứ tư đại dịch Covid-19 tại TPHCM. Đồng chí nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cộng với sự chia sẻ hỗ trợ của cả nước và bạn bè quốc tế, toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua đại dịch, từng bước phục hồi và phát triển. Qua đó thể hiện tinh thần càng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, mọi cấp, mọi ngành càng thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những giá trị nhân văn trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người được lan tỏa và phát huy mạnh mẽ.

Theo đồng chí, tự hào là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình để xây dựng và phát triển thành phố. Nhằm lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả Kết luận 01 của Bộ Chính trị, Đảng bộ thành phố đã triển khai nhiều giải pháp từ thành phố đến cơ sở.

Trong đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chuyên đề từng năm phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng Đảng trên địa bàn thành phố, đã đạt được những kết quả nổi bật. Hội nghị quán triệt, triển khai các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến từng cấp ủy cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ các cấp của thành phố.

Đồng thời, thông qua hệ thống tuyên giáo, báo chí, nội dung các chuyên đề và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể được lan tỏa mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ và phục vụ nhân dân của bộ máy chính quyền các cấp của thành phố. Phát huy vai trò của các học viện, nhà trường, đội ngũ chuyên gia, cán bộ cao cấp nghỉ hưu, giảng viên lý luận chính trị trong việc giảng dạy, báo cáo chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đảng bộ TPHCM cũng luôn chú trọng xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, phát triển con người thành phố dựa trên những nét đặc trưng, tính cách năng động, sáng tạo, tiên phong, đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, đáp ứng yêu cầu của một đô thị đặc biệt, trung tâm về kinh tế, văn hóa. Song song đó, tập trung đầu tư và thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho các hoạt động văn hóa truyền thống, lễ hội, hoạt động văn học, nghệ thuật, hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tổ chức sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kịp thời biểu dương khen thưởng các tác giả có tác phẩm có chất lượng cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mặt khác, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả, làm lan tỏa các gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, thành phố đã xuất hiện 241 mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, thích ứng và phù hợp với quá trình phòng, chống dịch Covid-19 cũng như giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“TPHCM đã bình chọn, biểu dương các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực, từ cấp cơ sở đến cấp thành phố. Năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố tổ chức biểu dương 302 gương điển hình tiêu biểu", Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM dẫn chứng.

Học Bác là tiêu chí quan trọng trong đánh giá cán bộ

Cũng theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành quy định yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nghiêm túc xây dựng kế hoạch, tự giác đăng ký những nội dung cụ thể học tập, làm theo Bác. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, đề bạt, luân chuyển cán bộ hàng năm cũng như đánh giá nhiệm kỳ. Gắn với đó là quy định về miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, điều chuyển, bố trí công tác đối với lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật hoặc uy tín giảm sút, năng lực hạn chế, kết quả công tác không đáp ứng yêu cầu; quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu từ điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu từ điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI xác định là xây dựng, hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, thành phố tập trung xây dựng văn hoá và con người thành phố phát triển toàn diện gắn với học tập và làm theo Bác. Tạo điều kiện cho người dân luôn phát triển về nhân cách đạo đức, luôn tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần hình thành bản sắc riêng của Không gian văn hoá Hồ Chí Minh. Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân thành phố theo các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã đề ra. Qua đó góp phần thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nâng cao đời sống văn hoá, xây dựng gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá, gia đình hạnh phúc, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, mỗi người vì mọi người.

Song song đó, tiến hành quy hoạch xây dựng công trình văn hóa tiêu biểu gắn với sự tôn vinh sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cơ quan báo chí truyền thông, đơn vị xuất bản đã có sự tập trung đầu tư nhiều hơn cho xuất bản phẩm, chương trình, chuyên trang, chuyên mục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với hình thức nội dung thể hiện mới, hấp dẫn thuyết phục hơn. Đến nay, thành phố đã tổ chức biên soạn và phát hành 6 tập sách “Những chuyện kể về gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và 4 tập sách “Những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường”. Từ năm 2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM thay đổi hình thức phát hành bộ sách “Những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường” bằng hình thức sách điện tử.

Qua đó nâng cao chất lượng giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh tuyên truyền bằng tiếng Việt, việc chuyển thể sang tiếng nước ngoài những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được thành phố chú trọng. Việc làm trên nhằm thực hiện công tác tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đang sinh sống làm việc trên địa bàn TPHCM. Từ đó, tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2030, TPHCM cơ bản hoàn thành việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục