Bất cập xử lý xe quá tải

Còn nhiều vướng mắc
Bất cập xử lý xe quá tải

Việc ngành giao thông vận tải (GTVT) triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe tải là cần thiết. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp (DN) vận tải, có một số cân chưa chính xác, việc xử phạt giữa các trạm cân không nhất quán, còn có tình trạng tiêu cực, móc ngoặc… Những bất cập này cần sớm chấn chỉnh nhằm tạo sự bình đẳng giữa các DN vận tải.

Sở GTVT TPHCM triển khai nhiều trạm cân giúp hạn chế tối đa xe quá tải lưu thông. Ảnh: CAO THĂNG

Sở GTVT TPHCM triển khai nhiều trạm cân giúp hạn chế tối đa xe quá tải lưu thông. Ảnh: CAO THĂNG

Còn nhiều vướng mắc

Theo phản ánh của nhiều chủ DN, việc kiểm soát tải trọng xe từ ngày 1-4 đến nay, bên cạnh những mặt tích cực cũng đã khiến không ít DN vận tải bị ảnh hưởng về hiệu quả kinh doanh. Ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc Công ty Giao nhận vận tải Minh Thành cho biết, công ty của ông chuyên vận chuyển hàng thiết bị cơ giới, ô tô, container quá khổ, dây chuyền thiết bị công nghiệp từ các cảng trên địa bàn TP đến các khu công nghiệp. Mặc dù không quá tải nhưng bị phạt… quá khổ vì hầu hết các mặt hàng này đều là hàng chuyên dùng. Giấy phép lưu hành xe quá khổ đầy đủ, tuy nhiên, nguyên kiện hàng chỉ vướng 20 phân vì hàng đặc chủng không thể tháo rời. Ông Thành đề nghị Sở GTVT TPHCM và các đơn vị liên quan, trong những trường hợp cụ thể như vậy nên linh hoạt tạo điều kiện cho DN hoạt động, vì đây là mặt hàng của các DN nước ngoài sản xuất để phục vụ các dự án trọng điểm của nước ta.

Đại diện một DN vận tải khác chuyên chở hàng với tải trọng 30 tấn đi từ TPHCM ra Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên tuyến QL1 có 3 cây cầu tải trọng chỉ 18 tấn. Nhưng nếu không đi theo QL1 thì chẳng có đường nào khác. Ngoài ra, hiện nay một số trạm thực hiện việc cân xe chưa chính xác dẫn đến nhiều xe bị phạt oan. Ngay cả cách cân và việc xử lý vi phạm cũng không thống nhất giữa các trạm cân. Trạm cân Cát Lái cân theo thiết kế và trục (bánh xe) chứ không cân tổng tải trọng toàn xe như trạm Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Một số chủ xe phản ánh, cũng một chuyến xe tải đó, khi cân tại trạm cân này không vi phạm tải trọng nhưng đến cân ở trạm khác lại… vi phạm (!?). Nhiều tài xế xe vận tải container cũng tỏ ra bức xúc bởi cách tính tại mỗi trạm cân không giống nhau. Đối với xe sơmi rơmoóc, có trạm căn cứ vào tổng trọng lượng toàn xe, có trạm lại dựa vào tải trọng trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật của cơ quan đăng kiểm.

Ông Lương Hoài Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM cho biết, cách làm hiện nay không thể giải quyết tận gốc được vấn đề chở quá tải. Việc xe quá 300kg so với thiết kế xe ban đầu không được đăng kiểm là vô lý. Tại sao không kiểm tra tải trọng của xe mà lại kiểm tra trọng lượng của xe? Sau một thời gian vận chuyển, thùng xe thường bị xuống cấp, buộc chủ xe phải làm lại và trọng lượng sẽ tăng so với thiết kế gốc. Nếu xe nào làm lại thùng xe vượt trên 300kg thì hàng hóa họ chở sẽ ít hơn so với thiết kế xe gốc.

Khó xử lý triệt để

Tình trạng xe chở quá tải hiện nay rất phổ biến. Nhiều trường hợp xe tải trọng chỉ 1 tấn nhưng chở 2 tấn; xe 3 - 5 tấn có khi chở đến 4 - 5 tấn; xe 5 tấn chở lên 6 - 7 tấn. Phần lớn xe chở khách đều xếp chật cứng hàng hóa trong cốp xe, dưới gầm ghế…

Phần lớn tài xế xe tải đồng tình với ngành GTVT về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe. Tuy nhiên, họ cũng đề nghị tất cả các trạm cân tải trọng xe trên toàn quốc phải chuẩn hóa nhằm đảm bảo công bằng cho tài xế và các DN. Điều đáng nói là tải trọng cho phép tham gia giao thông của cơ quan đăng kiểm cũng chưa nhất quán. Cùng một loại xe, số lượng trục và thông số kỹ thuật nhưng tải trọng cho phép tại mỗi thời điểm đăng ký phương tiện khác nhau với mức lệch nhiều khi quá lớn. Ví dụ cùng loại xe đầu kéo sơmi rơmoóc 6 trục nhưng xe đăng ký năm 1997 có tổng tải trọng cho phép lưu hành lên đến 49,5 tấn. Trong khi cũng xe tương tự như vậy nhưng đăng ký năm 2011 chỉ còn 35,5 tấn và đăng ký năm 2014 là 39,5 tấn.

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, từ khi TPHCM thực hiện cân tải trọng đối với xe tải đã xảy ra khá nhiều vấn đề, như DN cho rằng chuẩn thiết kế container theo quy định quốc tế nhưng khi áp dụng vào nước ta lại không phù hợp, nhất là khi hệ thống cầu đường không bảo đảm. 

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, nếu chỉ cân xe tải lớn sẽ bỏ sót rất nhiều đối tượng xe khác có khả năng phá hỏng đường sá. Vì thế, việc cân kiểm soát tải trọng xe phải làm lâu dài, thực hiện đồng loạt trên các tuyến đường và đối với tất cả các chủng loại xe. Ông Việt cũng nhìn nhận, thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn TPHCM đã xử lý nghiêm các trường hợp chở quá tải. Tuy nhiên, rất khó xử lý triệt để.

QUỐC HÙNG

Bộ GTVT vừa có ý kiến trả lời cộng đồng doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) về những vấn đề liên quan đến vận tải hàng hóa.

Về kiến nghị khi kiểm soát tải trọng xe không cân đầu trục mà chỉ cân trọng lượng toàn xe, Bộ GTVT cho biết đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời đến 31-12-2014 chưa xử phạt hành chính đối với 2 trường hợp gồm: ô tô vi phạm tải trọng trục mà không vi phạm tổng trọng lượng được phép của xe (trong trường hợp này, lực lượng chức năng chỉ yêu cầu xếp lại hàng hóa bảo đảm phân bổ hợp lý); xe hoặc đoàn xe vượt dưới 10% tổng trọng lượng cho phép. Đây cũng là cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, xuất nhập khẩu, nhất là hàng thủy sản đông lạnh và đóng hộp, bởi hiện tại các doanh nghiệp đều đã ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng container với các đối tác nước ngoài đến hết 2014 với nội dung đóng hàng bị vượt 2 tấn so với quy định của Bộ GTVT. Nếu được Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT sẽ sớm ra văn bản hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

BÍCH QUYÊN

- Nhiều trạm cân lưu động gặp sự cố

Tin cùng chuyên mục