
Kể từ ngày đầu tuần (19-12) cho đến nay, giá bán một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường đã bắt đầu nhích lên. Dư luận cho rằng giá hàng hóa, đặc biệt là hàng thực phẩm tươi sống, đã bắt đầu một đợt tăng giá mới.
Giá từ rau, củ, quả, thịt, cá đều tăng
Ngày 21-12, Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, lượng rau, củ, quả và trái cây các loại đổ về chợ tăng khá cao, tổng lượng hàng đã lên tới 657 tấn/ngày (tăng khoảng 32 tấn so với ngày 20-12), trong đó riêng lượng rau Đà Lạt đã chiếm tới 404 tấn/ngày.

Giá bán sỉ các loại rau, đặc biệt là rau Đà Lạt cũng bắt đầu tăng khá mạnh, bình quân 400-2.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, giá bắp cải 1.400 đồng/kg (tăng 400 đồng/kg), trái su 1.500 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg), cà rốt 5.800 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), xà lách búp 2.500 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg), cần Tàu 5.600 đồng/kg (tăng 1.600 đồng/kg), hành tây 5.800 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg)…
Tại chợ đầu mối thịt heo Phạm Văn Hai, lượng heo về chợ đứng ở mức 155 tấn/ngày. Giá bán sỉ thịt heo loại ngon vào đầu giờ họp chợ dao động ở mức 29.000-30.000 đồng/kg và giá bán bình quân là 26.000 đồng/kg. So với hồi đầu tháng 12, giá heo sỉ đã tăng 2.000-3.000 đồng/kg.
Trái ngược với mặt hàng trên, tại chợ đầu mối Chánh Hưng, nơi cung cấp khoảng 70% lượng hàng thủy hải sản cho thị trường thành phố, lượng hàng về chợ trong những ngày qua chỉ còn 338 tấn/ngày (giảm khoảng 70 tấn/ngày so với đầu tháng 12-2005). Giá bán hầu hết các loại thủy hải sản đã tăng bình quân 3.000-5.000 đồng/kg. Cụ thể, cá thu 43.000-45.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), bạc má 20.000-22.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), cá nục 14.000-15.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg)…
Tại chợ Trần Chánh Chiếu, trong 3 ngày qua, giá bán sỉ các loại đường, đậu, gạo nếp cũng tăng đột biến. Lượng hàng về chợ đầu mối như sau: đường chỉ còn 110 tấn/ngày (giảm khoảng 50 tấn/ngày), đậu 120 tấn/ngày. Giá đường RE Biên Hòa 9.500 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), đường Mỹ Tho 9.600-10.000 đồng/kg (tăng 600 đồng/kg), đường Quảng Ngãi 8.900 đồng/kg (tăng 900 đồng/kg), đậu xanh bóc vỏ 15.000-16.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), đậu phộng 14.000-15.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg)…
Riêng khu vực các chợ bán lẻ, không phải chờ đến lúc giá bán sỉ tăng mà ngay từ đầu quý 4-2005, giá bán nhiều mặt hàng đã tăng khá cao và đến thời điểm này thì một số mặt hàng đã gần như “đụng trần”: thịt heo nạc 50.000 đồng/kg, sườn non 45.000 đồng/kg, cốt lết 46.000 đồng/kg, cá điêu hồng 32.000-35.000 đồng/kg…Đây cũng là mức giá cao nhất từ nhiều năm qua.
Bắt đầu đợt tăng giá mới?
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bán các mặt hàng nông sản và thực phẩm tươi sống tăng cao trong những ngày qua hoàn toàn do yếu tố cung – cầu không cân đối. Dù lượng cầu không tăng nhưng nguồn cung cho thị trường TP đang bị giảm mạnh, chẳng hạn mặt hàng thủy hải sản, nếu trước đây lượng hàng về chợ có ngày lên tới 442 tấn thì hiện nay chỉ còn ở mức 338 tấn/ngày.
Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Đức, Trưởng phòng Kinh doanh chợ Bình Điền, đơn vị quản lý chợ đầu mối Chánh Hưng, mức giá mới này chỉ là mức tăng tạm thời, chưa thể khẳng định đây là đợt tăng giá mới. Theo phân tích của ông Đức, do thời tiết thất thường nên ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản cũng như lượng hàng cung cấp cho thành phố. Một khi thời tiết trở lại bình thường, hàng về nhiều thì giá bán sẽ giảm xuống vì thị trường chưa vào cao điểm để tiêu thụ hàng thủy hải sản.
Cũng theo ông Đức, mặt hàng rau, củ, quả trong những ngày qua dù lượng hàng về nhiều nhưng số hàng bị hư hao, dập nát khá lớn đã làm cho giá bán các loại rau tăng lên khá cao, nếu không nói là bị thiếu hàng. Ở mặt hàng thịt heo, mặc dù không phải do yếu tố cung cầu nhưng giá bán cũng đang đứng ở mức rất cao, gần ngang bằng với thời điểm Tết Ất Dậu vừa qua (vào cao điểm giá bán sỉ khoảng 33.000-35.000 đồng/kg). Các thương lái khẳng định, nguồn heo sẽ không thiếu nhưng giá bán vào những ngày cuối năm có thể sẽ còn tăng thêm.
Riêng các mặt hàng đường, đậu, gạo nếp, ngoài yếu tố đang vào cao điểm của việc dự trữ hàng để sản xuất bánh, mứt thì còn một yếu tố khác đó là nguồn cung hiện cũng đang bị giảm rất mạnh, khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2004. Theo dự báo của các thương lái, nếu lượng hàng về chợ tiếp tục khan hiếm thì giá bán các mặt hàng này sẽ còn tăng cao trong những ngày tới, đặc biệt là vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần.
Giá bán các mặt hàng tăng cao trong những ngày qua, về mặt khách quan có thể tạm xem là đợt tăng giá mới vì trên thực tế, giá bán một khi đã tăng lên sẽ ít có khả năng giảm xuống. Vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng là phải rà soát lại khả năng cung- cầu các mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Cần phải loại trừ ngay yếu tố ghim hàng để làm giá, nhất là vào thời điểm nhạy cảm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
THÚY HẢI