
Gần chục ngàn sản phẩm bất động sản được giao dịch, vài chục dự án được thay tên đổi chủ, nhiều cần cẩu đã vươn cao… đó là bức tranh tích cực của thị trường bất động sản năm 2014. Theo hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS), năm 2015 với nhiều hứa hẹn ấm đều ở các phân khúc.
Cú hích năm cũ
Điểm nhấn lớn nhất của năm 2014 chính là cơ cấu thành công việc chẻ nhỏ căn hộ. Nhà ở xã hội trước khi xin chuyển đổi là 3.522 căn, số lượng căn hộ sau khi chuyển đổi tăng lên 7.613 căn. Riêng nhà ở thương mại, thành phố đã xem xét chuyển đổi căn hộ diện tích lớn thành diện tích nhỏ và cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ của 9 dự án đủ điều kiện, với quy mô 4.736 căn hộ thành 6.122 căn hộ sau khi chuyển đổi.
Theo ông Trần Đức Phương, Tổng giám đốc Công ty BĐS Nam Tiến, nhờ việc cơ cấu lại sản phẩm, dẫn đến tổng thanh toán thấp, đã tạo điều kiện cho rất nhiều người có cơ hội mua nhà an cư, đổi nhà; đồng thời chủ đầu tư giải phóng được hàng tồn kho!

Thị trường căn hộ sẽ nhộn nhịp với nhiều dự án mới được mở bán. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Cho dù kêu ca giải ngân gói 30.000 tỷ đồng bị chậm, nhưng thực tế nhờ gói này đã mang lại hơi ấm cho thị trường. Chẳng hạn, dự án Hưng Ngân Garden quận 12, chỉ riêng trong năm 2014 đã bán được gần 900 căn hộ, trong đó giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng chiếm trên 90%!
Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, đơn vị phân phối độc quyền dự án, khẳng định, việc dự án bán chạy là nhờ gói tín dụng trên, bởi hầu hết người mua có nhu cầu an cư nhưng khả năng tài chính hạn chế. Đây cũng là dự án có khách hàng giải ngân nhiều nhất từ gói tín dụng này. Tại TPHCM, theo số liệu giữa quý 4-2014 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, các ngân hàng đã ký hạn mức tín dụng 1.470,93 tỷ đồng cho 1.513 khách hàng, trong đó đã giải ngân 658 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp và 393,83 tỷ đồng cho 1.444 cá nhân. Trên thực tế, dòng chữ “cho vay 30.000 tỷ đồng” đã trở thành nền quảng cáo của rất nhiều dự án nhà ở phân khúc trung bình!
Một điểm nhấn rất lớn của thị trường năm 2014 chính là xu hướng mua bán dự án tăng mạnh, công bố rầm rộ. Dẫn đầu là Công ty Novaland với 11 dự án đã mua lại trong năm qua, nâng tổng vốn đầu tư vào các dự án BĐS hơn 1 tỷ USD. Việc mua lại dự án trong năm qua có hơn 30 thương vụ đã hoàn tất, Công ty Hưng Thịnh mua lại 3 dự án, Công ty Phát Đạt mua lại 2 dự án, Công ty An Gia mua lại 3 dự án…
Tất nhiên, chỉ dựa vào mảng sáng để nói thị trường năm 2014 đã ấm đều là chưa phản ánh xác đáng, nhưng rõ ràng, sau 7 năm khó khăn thị trường đã bắt đầu ấm lại một cách rõ rệt!
Ổn định hơn
Qua ghi nhận từ các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, tâm lý phấn khởi, kỳ vọng rất lớn vào năm 2015. Sự chuẩn bị của các chủ đầu tư cho thấy kho hàng khổng lồ sẽ bung mạnh: Công ty Novaland tung ra 6.000 sản phẩm, Him Lam đã chuẩn bị sẵn 4.500 sản phẩm, Công ty Hoàng Anh Sài Gòn ký kết phân phối 3.000 sản phẩm, tăng gấp 3 lần so với năm cũ!
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh, cho rằng, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, bởi chứng khoán lình xình, vàng thì đi xuống. Đặc biệt Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài mua nhà đã tác động rất lớn đến thị trường. Năm nay kiều bào về nước ăn tết khá đông, các thông tin về nhà đất cũng được nắm bắt nhiều. Với tâm lý tốt như vậy, rất có khả năng thị trường sẽ tạo nên cơn sốt mới.
Mới đây, trong một thông điệp nhận định thị trường BĐS của năm 2015, Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, thị trường vẫn đang trong tình trạng còn khó khăn, tuy nhiên hồi phục vẫn là xu thế chủ đạo. Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ có quy mô vừa và nhỏ, tổng giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ, tiếp tục phát triển ổn định, bền vững. Phân khúc BĐS cao cấp cũng tạo ra những điểm sáng tích cực đối với dự án của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu, có vị trí tốt, nhiều tiện ích và giá cả, phương thức thanh toán hợp lý.
Về mặt pháp luật, hàng loạt đạo luật mới ra đời đã và sắp có hiệu lực trong năm nay như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động của thị trường BĐS, cho phép nhà đầu tư được sản xuất, kinh doanh… đã có tác động tích cực, tạo niềm tin đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên thị trường BĐS, vẫn còn đó một số rào cản đang chờ đợi tiếp tục tháo gỡ. Đó là, nộp tiền sử dụng đất của các dự án sẽ tiếp tục là “ẩn số”, có thể trở thành gánh nặng của nhà đầu tư và người mua nhà; các chế định mới làm phát sinh thêm 2 yếu tố trong cơ cấu giá thành BĐS, đó là chi phí ký quỹ và chi phí bảo lãnh người tiêu dùng sẽ gánh chịu khi mua nhà.
LƯƠNG THIỆN