Bát nháo dịch vụ xe ôm tại sân bay

Ghi nhận tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy, việc chèo kéo, bám sát và tự nhận “khách của mình” là phương thức được áp dụng triệt để cho việc giành khách của nhiều nhóm xe ôm.
Bát nháo dịch vụ xe ôm tại sân bay

Ghi nhận tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy, việc chèo kéo, bám sát và tự nhận “khách của mình” là phương thức được áp dụng triệt để cho việc giành khách của nhiều nhóm xe ôm.

Xe ôm chiếm bến bãi, chèo kéo khách 

Trong vai hành khách đi Nha Trang về, vừa bước ra trước cửa nhà giữ xe máy, phóng viên (PV) lập tức bị một xe ôm chặn đường chèo kéo lên xe. Chặng đường từ sân bay về quận 2 được ra giá 100.000 đồng. Chưa kịp lên xe, một nhóm xe ôm đợi sẵn trước cổng sân bay vây kín và hất hàm hỏi tài xế xe ôm đón tôi rằng: “Mày ở đâu tới? Sao dám đón khách trên đất của bọn tao?”. Ngay lập tức tài xế xe ôm này bỏ chúng tôi xuống và chạy mất hút.

Tài xế ce ôm đón khách đi ra từ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: THÀNH TRÍ

Sau đó, người tài xế tên An được nhận chở tôi. Anh này cho biết, mình hành nghề xe ôm quanh khu vực sân bay nhiều năm và muốn được hành nghề ở đây cũng phải theo “luật” của mấy “đại ca” quản lý khu vực. Theo lời bác tài này, hiện nay quanh khu vực sân bay có 100 tài xế xe ôm hoạt động chia làm 2 ca/ngày. 50 tài xế sẽ hoạt động ban ngày và 50 người còn lại hoạt động vào ban đêm. Trong quá trình hoạt động cũng có thể chủ động đổi ca cho nhau và hoạt động đều đặn hàng ngày. Tiền chạy xe sẽ chung chi từ 10.000 - 20.000 đồng/cuốc xe. Các “đại ca” cũng cho phép, nếu thấy xe lạ vào giành khách thì cứ thẳng tay “xử”.

Người tiêu dùng thiệt, doanh nghiệp than trời

Theo ghi nhận của PV, không chỉ “mồi chài” khách, nhiều tài xế xe ôm hoạt động tại khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất còn tỏ ra đặc biệt hung hãn, sẵn sàng ẩu đả, hành hung các “xe lạ”, “xe công nghệ” nhằm thể hiện quyền độc chiếm lãnh địa làm ăn. Theo thống kê, từ tháng 11-2015 đến nay đã xảy khoảng hơn 20 vụ tài xế hợp tác vận chuyển, đón khách theo đặt hàng từ ứng dụng điện thoại thông minh bị tài xế xe ôm hoạt động tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hành hung vô lý, nhẹ thì hăm dọa, nặng thì đánh đập, cướp nón bảo hiểm, phá xe.

Khi chúng tôi đề cập đến dịch vụ “xe lạ”, “xe công nghệ” GrabBike, tài xế G. và một số tài xế xe ôm khác lập tức thể hiện thái độ tức giận. “Đất có thổ công, sông có hà bá, gặp thằng tài xế nào của Grab bén mảng tới sân bay đón khách là đánh luôn không cần nói nhiều”, tài xế G. giận dữ nói.

Trên thực tế, các hãng taxi, xe chở khách có thương hiệu đều được quản lý tư cách pháp nhân theo đăng ký tại Bộ Kế hoạch - Đầu tư và tuân thủ các quy định của Nghị định 86 về vận chuyển hành khách đường bộ với giấy phép của Bộ Giao thông Vận tải cấp, chịu các chế tài quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại đang bị coi là những “kẻ xâm chiếm trái phép” khi đối mặt với các nhóm “xe ôm truyền thống”, taxi dù. Họ thường bị xua đuổi, chèn ép, đe dọa. Cùng với doanh nghiệp, người thiệt hại nhất chính là người tiêu dùng vì không có cơ hội chọn lựa dịch vụ rẻ, văn minh.

Cần có quy hoạch, quản lý dịch vụ xe ôm

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất kiêm Giám đốc Trung tâm an ninh hàng không, tình trạng chèo kéo khách ngoài khu vực sân bay, đoạn đầu đường Trường Sơn hay ở khu vực trạm xăng gần đó, diễn ra nhiều năm nay. “Chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi chính quyền địa phương và Công an phường 2, quận Tân Bình, TPHCM, đề nghị giải quyết tình trạng này, bởi khu vực ngoài sân bay thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và lực lượng công an khu vực, chúng tôi chỉ phối hợp để đảm bảo an ninh, trật tự tại cửa ngõ sân bay”, ông Tiến nêu rõ. Theo thống kê của Trung tâm an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng an ninh sân bay đã phát hiện và xử lý hơn 50 trường hợp tài xế taxi và xe ôm chèo kéo khách trong khu vực sân bay,  chuyển hồ sơ đến Công an phường 2 giải quyết. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng thì vấn đề quy hoạch, tổ chức và sắp xếp lại các đơn vị vận tải tham gia vào việc đưa đón khách tại sân bay mới là mấu chốt. Cụ thể, đối với lực lượng xe ôm, cũng cần có những quản lý, giám sát theo đăng ký, thậm chí, cần phải thành lập nghiệp đoàn để quản lý tốt hơn và đưa hoạt động vào nề nếp, quy củ hơn. Cùng với các phương tiện truyền thống, việc quy hoạch cho các dịch vụ “xe công nghệ” dựa trên ứng dụng điện thoại thông minh phát huy thế mạnh, cùng tham gia với các cơ quan chức năng để cung ứng, giải quyết nhu cầu đi lại bằng dịch vụ vận chuyển mới, hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm và thân thiện là điều nên làm. Mục đích cuối cùng là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các đơn vị vận tải, đồng thời, đảm bảo hoạt động ổn định, qua đó, tình hình an ninh, trật tự đi vào nề nếp.

HÀ TRẦN

Tin cùng chuyên mục