Ủy ban Bầu cử quốc gia Croatia dẫn kết quả kiểm 70% số phiếu bầu cho biết Liên minh trung tả đối lập "Kukuriku", gồm đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và ba chính đảng cánh tả và trung tả, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 4-12.
Theo kết quả kiểm phiếu, liên minh "Kukuriku" đã chiếm tới 78 trong tổng số 151 ghế tại quốc hội trong khi Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ) cầm quyền chỉ giành được 48 ghế. Các chính đảng khác nhiều khả năng không giành được quá 5 ghế trong Quốc hội khóa mới.
Kết quả trên cho thấy uy tín của liên minh cầm quyền HDZ sụt giảm nghiêm trọng và người dân Croatia không còn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của liên minh này sau khi xảy ra hàng loạt vụ tham nhũng liên quan đến nhiều quan chức cấp cao.
Sau 4 năm cầm quyền, tài sản mà HDZ để lại là một nền kinh tế kiệt quệ với mức sống của người dân liên tục đi xuống và tình trạng thất nghiệp cao (17%). Kế hoạch gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013 của nước này bị ảnh hưởng do những khó khăn kinh tế.
Theo giới phân tích, chính phủ mới của Croatia sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ cực kỳ khó khăn để dẫn dắt nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay.
* Cùng ngày, Ủy ban Bầu cử quốc gia Slovenia cũng công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ (96%) cho biết đảng "Slovenia Tích cực" theo đường lối trung tả mới của ông Zoran Jankovic, Thị trưởng thành phố Ljubljana đã bất ngờ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử trước thời hạn đầu tiên kể từ khi Slovenia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư cũ hồi năm 1991.
Với số phiếu bầu 28,62%, đảng " Slovenia Tích cực" đã giành chiến thắng sít sao so với đảng Dân chủ Slovenia (SDS) theo đường lối trung hữu của cựu Thủ tướng Janez Jansa, được 26,22% phiếu bầu. Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Borut Pahor chỉ giành được 10,54% số phiếu, giảm mạnh so với tỷ lệ ủng hộ 30,5% trong cuộc bầu cử diễn ra năm 2008.
Cũng giống như Croatia, chính phủ mới của Slovenia sẽ phải đương đầu với khoản nợ khổng lồ, tình trạng thất nghiệp và bóng đen suy thoái ở nước này.
Trước đó, ngày 21-10, Tổng thống Slovenia Danilo Tuerk đã phải giải tán quốc hội sau khi chính phủ của Thủ tướng Borut Pahor sụp đổ do không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra ngày 20-9. Theo giới phân tích, chính phủ trung tả của Thủ tướng Pahor thất bại sau khi các cuộc cải cách quan trọng về hệ thống lương hưu do chính phủ của ông đề ra, bị bác bỏ trong một cuộc trưng cầu ý dân chỉ hai năm sau khi ông nhậm chức.
Hiện chưa có đề xuất nào cho người đứng đầu chính phủ mới.
TTX