Du lịch tâm linh, khám phá hoang sơ
Nằm cạnh ngã ba sông Hậu thơ mộng, thành phố trẻ Châu Đốc được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang và khu vực ĐBSCL với nước bạn Campuchia, cũng như các nước Đông Nam Á. Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh An Giang, TP Châu Đốc đóng vai trò chủ lực, bởi nơi đây có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, như: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam… cùng với cảnh quan thiên nhiên độc đáo hấp dẫn du khách.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc báo tin vui: “Thời gian qua du lịch ở vùng biên thùy này phát triển ấn tượng, lượng khách tham quan, hành hương… liên tục tăng. Du lịch phát triển đã góp phần kéo thương mại, dịch vụ… tăng trưởng theo”.
"An Giang là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo mang tầm vóc quốc gia với nhiều lễ hội, ẩm thực phong phú, tín ngưỡng tôn giáo đa màu sắc, con người hiền hòa dễ mến. Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên quí báu rất cần được khai phá để phát triển các loại hình du lịch" - Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai |
Cũng phấn khởi bởi sự chuyển mình mạnh mẽ về du lịch, UBND huyện Tịnh Biên cho biết, thời gian qua huyện tập trung khai thác lợi thế của “Lâm viên núi Cấm”, với phong cảnh hữu tình, mát mẻ. Du khách đến đây được đi cáp treo nhìn Bảy Núi hùng vĩ, ngắm cánh đồng bát ngát chạy dọc sang tận biên giới Campuchia; tắm suối Thanh Long, ngắm hồ Thủy Liêm, viếng chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh...
Thưởng thức bánh xèo với rau rừng Bảy Núi, cùng nhiều loại trái cây đặc sản. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai, tâm sự: “Rừng tràm Trà Sư ở huyện Tịnh Biên, từ lâu đã nổi danh là “thiên đường xanh ngập nước” của vùng ĐBSCL, mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ xanh thẳm quyến rũ, độc đáo với hệ sinh thái động thực vật đặc sắc, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Vì vậy, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Tập đoàn Sao Mai đã tiếp quản dự án này từ tháng 8-2018, và hiện đang lập thiết kế chi tiết để đầu tư với tổng vốn ban đầu là 130 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí tạo quỹ đất trước cửa rừng khoảng 50 tỷ đồng, để biến nơi đây thành khu du lịch nổi tiếng phục vụ du khách…”.
Theo UBND huyện Tri Tôn, gần đây có khá đông du khách đến với hồ Soài So, hồ Tà Pạ theo dạng phượt bởi những nét hoang sơ, cảnh quan đẹp như bức tranh thủy mặc ở nơi này. Bên cạnh đó, huyện còn khai thác các điểm khác như leo núi Cô Tô, nhà mồ Ba Chúc, đồi Tức Dụp… nhằm thu hút du khách quanh năm.
Đa dạng văn hóa, tín ngưỡng
Ông Guillaume Van Grinsven, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Hỗ trợ quốc tế Hà Lan (PUM), cho rằng giá trị cốt lõi của An Giang là sự đa dạng về văn hóa, tín tưỡng, tôn giáo, điều này thể hiện rõ ở sự khác biệt của các công trình kiến trúc, chùa chiền. Thêm vào đó, thiên nhiên An Giang cũng là một giá trị cốt lõi quan trọng, với dãy Thất Sơn hùng vĩ, hệ thống sông ngòi chằng chịt, rừng với đa dạng sinh thái và một nền văn hóa lúa nước… là những nét nổi bật.
"Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các địa phương trong tỉnh, các ngành liên quan, doanh nghiệp, người dân… đã tạo nên sự bứt phá ngoạn mục cho du lịch An Giang cất cánh. Nếu như năm 2017 toàn tỉnh đón 7,3 triệu lượt khách, thì sang năm 2018 đón hơn 8,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng, là một trong những địa phương mạnh về du lịch ở ĐBSCL" - Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang |
Với những giá trị đó, chúng ta có thể xác định 4 sản phẩm có tiềm năng mang tầm quốc gia hoặc quốc tế, đó là: “Châu Đốc với quần thể chùa ở Núi Sam; giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời của Núi Cấm; khu di tích văn hóa Óc Eo; cuối cùng là rừng tràm Trà Sư”. Những sản phẩm này tạo nên một hình ảnh An Giang với đa dạng văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, đình chùa và thiên nhiên sông nước hùng vĩ. Nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và người dân An Giang trong phát triển du lịch là giữ chân khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đang phấn đấu đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn. Xây dựng hình ảnh An Giang trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại. Từ đó, tạo sự lan tỏa về sự hấp dẫn và tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh đang làm hết sức để An Giang thật sự là điểm đến thân thiện, hài lòng du khách, trở thành trung tâm du lịch lý tưởng của ĐBSCL và cả nước.
An Giang dự kiến đến năm 2020 đón 10,1 triệu lượt khách. Có ít nhất 1 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn, có khu vui chơi, giải trí tầm cỡ, trung tâm mua sắm hiện đại; đồng thời khai thác tốt các tuyến du lịch nội vùng, ngoại vùng và tuyến du lịch xuyên biên giới giữa Việt Nam-Thái Lan-Lào…
Tỉnh sẽ tập trung vào 4 loại hình du lịch thế mạnh, gồm “du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch thắng cảnh-nghỉ dưỡng, du lịch theo dòng sông Tiền-sông Hậu - sinh thái miệt vườn”. Đồng thời, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt nơi khác không có.
Để làm được việc này, tỉnh rà soát lại tất cả các khu du lịch nhằm khắc phục hạn chế và phát huy thế mạnh. Mời chuyên gia từ Hà Lan đến tư vấn phát triển du lịch bền vững. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào du lịch, khu nghỉ dưỡng, vui chơi quy mô lớn. Xây dựng văn hóa du lịch thân thiện, mến khách; đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người An Giang...
Ông Guillaume Van Grinsven cho rằng, hiện nay ở núi Cấm có tượng Phật Di lặc, chùa Vạn Linh, miếu và hồ Thủy Liêm… Cần cải thiện theo chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế. Đây có thể bao gồm một trung tâm thông tin, giới thiệu về tôn giáo trong khu tượng Phật, lối đi bộ thiện ngẫm trong rừng, một khu trung tâm thiền định. Điều quan trọng nhất là cần phát triển một trung tâm quốc tế tập trung vào sự yên bình, hạnh phúc, sự khỏe mạnh; một trung tâm tôn giáo cho Việt Nam để có thể cạnh tranh với Thái Lan, Lào hay Campuchia. Đây sẽ là điểm nhấn quan trọng tạo sự bứt phá về du lịch của An Giang…
Bảo tồn sinh thái tự nhiên và nền văn hóa độc đáo Nhân chuyến công tác ở An Giang vào giữa tháng 12-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui khi về thăm một trong những vùng đất huyền thoại, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, có sức hấp dẫn bậc nhất của vùng ĐBSCL nói riêng và tiến trình hình thành đất nước Việt Nam nói chung. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: An Giang chính là nét chấm phá trong bức tranh Mê Công, là bảo tàng sinh thái tự nhiên và văn hóa độc đáo của ĐBSCL. Sứ mệnh của An Giang là phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam. An Giang, nơi hội tụ, giao thoa các giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và tâm linh, cần được bảo tồn, cần được du khách khắp thế giới biết đến… “Vừa rồi, tôi làm việc với Tập đoàn tư vấn nổi tiếng BCG của Mỹ về mục tiêu đưa Mê Công trở thành điểm đến sông nước số 1 châu Á, khi họ trình bày ý tưởng, tôi liên tưởng đến rất nhiều về tỉnh An Giang trong phát triển du lịch”- Thủ tướng nói. Thủ tướng lưu ý, những kiến tạo địa chất, đặc biệt hàng triệu năm trước ở An Giang đã hình thành 7 ngọn núi giữa vùng ĐBSCL thẳng cánh cò bay, là sự hàm chứa giá trị tâm linh đậm chất phương Đông trong một vùng đất có sự giao thoa về tôn giáo và tín ngưỡng. Điều này rất hấp dẫn du khách. Đối với các nhà đầu tư, đây là yếu tố phong thủy rất tốt cho sự phát triển bền vững… |