BBC đối mặt khủng hoảng

Hãng truyền thông BBC của Anh ngày 10-11 thừa nhận đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng lòng tin” sau khi cho phép phát sóng một phóng sự điều tra trong chương trình Newsnight, trong đó nhầm lẫn tên tuổi một chính khách Anh trong vụ xì-căng-đan lạm dụng tình dục với một trẻ vị thành niên từ những năm 1970-1980.
BBC đối mặt khủng hoảng

Hãng truyền thông BBC của Anh ngày 10-11 thừa nhận đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng lòng tin” sau khi cho phép phát sóng một phóng sự điều tra trong chương trình Newsnight, trong đó nhầm lẫn tên tuổi một chính khách Anh trong vụ xì-căng-đan lạm dụng tình dục với một trẻ vị thành niên từ những năm 1970-1980.

Tổng giám đốc BBC ra đi

Tổng giám đốc BBC George Entwistle đã tuyên bố từ chức. Trong một thông cáo đọc bên ngoài tòa trụ sở mới của BBC, New Broadcasting House, ông Entwistle nói: “Vì tổng giám đốc cũng là tổng biên tập và là người chịu trách nhiệm cuối cùng toàn bộ nội dung và bởi vì phóng sự phát sóng trong chương trình Newsnight hôm thứ sáu 2-11 đã không đạt chuẩn mực báo chí, tôi quyết định rút lui khỏi vị trí tổng giám đốc”.

Tổng giám đốc BBC Entwistle tuyên bố từ chức và cho rằng BBC đang trong giai đoạn “khủng hoảng lòng tin”.

Tổng giám đốc BBC Entwistle tuyên bố từ chức và cho rằng BBC đang trong giai đoạn “khủng hoảng lòng tin”.

Mặc dù chương trình Newsnight không nêu danh tính chính trị gia trong phóng sự được phát sóng từ tuần trước, song tên của cựu quan chức thuộc đảng Bảo thủ Anh Alistair McAlpine lại được công bố tràn lan trên các trang mạng xã hội và bị coi là thủ phạm. Ông McAlpine đã xuất hiện và phủ nhận mọi cáo buộc trong ngày 9-11. Vài giờ sau đó, chính nhân vật tố cáo ông là Steve Messham cho biết ông McAlpine không phải là nhân vật đó và ông chỉ là nạn nhân của sự nhầm lẫn danh tính.

Ông Messham cũng chính thức lên tiếng đính chính rằng ông ấy có sự nhầm lẫn tên gọi và đã xin lỗi. BBC cũng xin lỗi vì đã phát sóng phóng sự này. Luật sư của ông McAlpine nói rằng họ đang tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại “tất cả các phương tiện truyền thông đã bôi nhọ danh tiếng của ông và phát đi những thông tin sai lệch”. McAlpine từng phụ trách tài chính của đảng Bảo thủ dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher.

Bộ trưởng Văn hóa Anh Maria Miller đã hoan nghênh việc từ chức và khẳng định: “Rất lấy làm tiếc nhưng đó là quyết định đúng đắn”. Báo chí Anh mô tả tình hình tại BBC hiện tại rất rối. Sai lầm mới nhất của BBC ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của họ. Tổng Giám đốc BBC trước khi từ chức đã yêu cầu chương trình Newsnight phải phát sóng buổi xin lỗi đầy đủ đồng thời ra lệnh tạm dừng tất cả các phóng sự điều tra của Newsnight để kiểm tra và đánh giá lại công tác biên tập.

Bê bối nối tiếp bê bối

Chỉ trong 54 ngày ở vai trò tổng giám đốc, ông Entwistle còn phải giải quyết vụ bê bối liên quan việc BBC quyết định không phát sóng một chương trình Newsnight khác điều tra cáo buộc về Jimmy Savile. Đây là một cựu nhân viên dẫn chương trình của BBC, theo cảnh sát có thể đã lạm dụng tình dục tới 300 người trong 40 năm. Cùng lúc một cuộc điều tra về văn hóa và phương thức hoạt động của BBC thời kỳ xảy ra các vi phạm của Jimmy Savile cũng được tiến hành. Một cuộc điều tra khác chuẩn bị nhắm tới xem xét các chính sách về việc xử lý hiện tượng xâm hại tình dục của BBC.

Trưởng biên tập tin trong nước của BBC Mark Easton nói: “BBC hiện đang ở ngã ba đường vì toàn bộ tương lai của hãng phụ thuộc vào việc có thuyết phục được người dân Anh rằng đây chính là tổ chức mà họ tin tưởng được hay không và rằng họ còn tin vào thông tin BBC đưa hay không”. Ông Easton nói thêm rằng BBC hiện đang ở trong tình thế hết sức nguy hiểm.

Tháng 1-2004, một vụ bê bối khác của BBC đã khiến chủ tịch BBC thời đó là ông Gavyn Davies và Tổng giám đốc Greg Dyke phải từ chức. BBC lúc đó đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hơn 80 năm tồn tại. Nguyên nhân sự việc liên quan đến các bài tường thuật của phóng viên Andrew Gilligan về việc Chính phủ Anh thổi phồng hồ sơ về mối đe dọa quân sự của Iraq dựa trên các thông tin tình báo không đáng tin cậy. Điều trần sau đó cho thấy cáo buộc này của BBC không có cơ sở.
 
Tháng 7-2009, tập đoàn News International của ông trùm báo chí Ropert Murdoch sở hữu nhiều tờ báo hàng đầu của Anh bị báo Guardian tố cáo đã dùng 1 triệu bảng Anh hối lộ nhiều quan chức để nghe lén điện thoại của các nhân vật nổi tiếng phục vụ các tin tức giật gân. Năm 2011, vì vụ này khiến nhiều quan chức Anh và cả các biên tập viên của News International phải đi tù.

KHÁNH MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục