Nga nhắm vào dầu đá phiến của Mỹ
Theo phân tích của CNN, Tổng thống Nga Vladimir Putin biết ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ không còn mạnh, do vậy khi Saudi Arabia kêu gọi cắt giảm sản lượng để giảm thiểu tình trạng dư cung, ông Putin đã không hưởng ứng.
Mục tiêu của Tổng thống Putin là giành lại thị phần từ các nhà đầu tư dầu mỏ Mỹ, vốn tăng trưởng mạnh khiến Nga mất vị trí nước khai thác dầu lớn nhất thế giới vào năm 2018.
Giá dầu lao dốc hồi đầu tuần sau khi Saudi Arabia tuyên bố sẽ giảm giá dầu, chống lại động thái của Nga không chấp nhận giảm sản lượng. Dầu thô Mỹ giảm mạnh 26%, thấp nhất kể từ năm 1991, xuống mức 31,13USD/thùng. Dầu thô hiện rẻ đến mức nhiều công ty dầu đá phiến của Mỹ buộc phải cắt giảm sản lượng. Nỗi lo phá sản đã hiện hữu, kéo giá cổ phiếu dầu mỏ SPDR S & P Oil & Gas ETF (XOP) về mức giá thấp nhất từ năm 2006. Cổ phiếu của các công ty dầu khí lớn như ExxonMobil (XOM) và Chevron (CVX), có mô hình kinh doanh được xây dựng để chịu được dầu thô giá rẻ, cũng giảm 12%. Các công ty thăm dò và sản xuất dầu cùng chịu chung số phận.
Cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ lặp lại bức tranh vụ tai nạn tràn dầu 2014-2016 làm phá sản hàng chục công ty dầu khí của Mỹ, dẫn đến hàng trăm ngàn người mất việc.
Không muốn thua thiệt
Đáng chú ý là sau khi Nga không chấp nhận yêu cầu cắt giảm sản lượng dầu khai thác, Saudi Arabia đã đảo ngược yêu cầu bằng cách tăng lượng dầu khai thác. Công ty Saudi Aramco tuyên bố sẽ bơm 12,3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 4. Không chỉ cao hơn 27% so với mức gần đây mà còn vượt quá 300.000 thùng so với công suất tối đa của công ty này. Theo ông Michael Tran, giám đốc chiến lược năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets, có một “cuộc thi” nâng sản lượng dầu giữa Nga và Saudi Arabia khiến các nước khác cũng bị cuốn vào cuộc chiến.
Trong nhiều năm qua, Nga ủng hộ OPEC trong việc cắt giảm sản lượng dầu để giữ giá cao. Tuy nhiên, mỗi lần cắt giảm sản lượng buộc Nga phải nhượng lại thị phần cho ngành công nghiệp năng lượng đang bùng nổ của Mỹ. Rosneft, công ty dầu mỏ quốc doanh của Nga, gọi liên minh OPEC là “chủ nghĩa bạo cuồng” cho phép dầu đá phiến của Mỹ phát triển mạnh.
Ngoài cuộc chiến thị phần, các nhà phân tích cho rằng Nga có thể sẽ trả đũa cho chiến dịch trừng phạt năng lượng gần đây của Washington nhắm vào Nga. Chẳng hạn, chỉ ba tuần trước, chính quyền ông Donald Trump đưa ra các lệnh trừng phạt đối với một công ty con của công ty dầu khí Nga Rosneft để đáp lại sự ủng hộ của họ dành cho Tổng thống Maduro của Venezuela.
Nga cũng có lợi thế tài chính lớn so với Saudi Arabia. Doanh thu dầu mỏ của Nga chỉ chiếm 37% ngân sách, so với 65% của Saudi Arabia, theo Argus Global Markets. Các nhà phân tích cho biết Nga có thể cân đối ngân sách của mình nếu giá dầu ở mức thấp đến 42USD/ thùng, so với khoảng 80USD/thùng của Saudi Arabia.
Về phía Mỹ, trong cuộc gặp Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm 9-3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường năng lượng “có trật tự”. Theo ông Stewart Glickman, nhà phân tích năng lượng tại CFRA Research thì 2 tháng qua là một bộ phim kinh dị cho các nhà đầu tư năng lượng. “Chúng ta có cả cú sốc cầu (do Covid-19) và cú sốc cung (sự cố OPEC-Nga) xảy ra cùng một lúc”, ông Stewart Glickman ví von. Câu hỏi lớn là giá dầu thấp duy trì trong bao lâu và còn giảm đến bao nhiêu. Đương nhiên, câu trả lời nằm ở Riyadh và Moscow.