Chiều 10-3, UBND tỉnh Bến Tre cho biết, do ảnh hưởng xâm nhập mặn sâu, kéo dài đã gây ra những thiệt hại về sản xuất. Cụ thể, tình hình nuôi thủy sản đang gặp nhiều khó khăn khi 722 ha tôm càng xanh bị ảnh hưởng (đã thiệt hại khoảng 30% trên tổng diện tích nuôi); xảy ra hiện tượng nghêu chết với số lượng khoảng 1.100 tấn, ước thiệt hại giá trị khoảng 23 tỷ đồng…
Đối với lĩnh vực công nghiệp thì hầu hết ngành công nghiệp chế biến đều sử dụng nước ngọt cho sản xuất, nên hiện tượng xâm mặn đã gây ảnh hưởng lớn. Vấn đề sử dụng nước nhiễm mặn sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm, hư hỏng, giảm tuổi thọ máy móc, thiết bị… Do đó, nếu tình trạng xâm mặn tiếp tục kéo dài và không có nước ngọt cung cấp sẽ dẫn đến một số doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguồn nước ngọt lớn phải ngưng sản xuất; trong khi các ngành khác như dịch vụ, du lịch cũng thiệt hại nặng nề.
Trước diễn biến xâm nhập mặn còn phức tạp trong thời gian tới, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường thông tin cho các đơn vị sản xuất, người dân nắm để chủ động ứng phó. Vận động sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các tầng lớp nhân dân để có giải pháp tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm. Thực hiện khẩn cấp việc vận chuyển nước ngọt từ các tỉnh khác về cung cấp cho các hoạt động thiết yếu, các bệnh viện, trường học và nhu cầu các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, không để ảnh hưởng hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân.
Triển khai giải pháp phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra do ảnh hưởng hạn mặn. Rà soát các vườn cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng có nguy cơ bị thiệt hại do nước mặn để có giải pháp ứng phó và hỗ trợ người dân kịp thời. Ngoài ra, nghiên cứu thêm việc đắp một số đập tạm cục bộ để trữ nước ngọt; đầu tư hệ thống xử lý nước mặn tại các nhà máy nước nông thôn phục vu nhu cầu người dân. Mở rộng tuyến ống dẫn nước thô về các nhà máy nước; xây dựng phương án trữ nước ngọt trong lòng đất tại các khu vực phù hợp. Bên cạnh đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng nơi theo hướng thích ứng với hạn mặn. Đồng thời, tăng cường kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ dụng cụ chứa nước, thiết bị xử lý nước… ưu tiên cung cấp cho hộ nghèo, vùng ven biển, vùng sâu.
Về lâu dài, tỉnh Bến Tre kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ nguồn vốn Trung ương khoảng 250 tỷ đồng để đầu tư tiếp hồ chứa nước ngọt qui mô 1,5 triệu m3, nhằm tăng thêm lượng nước ngọt dự trữ phục vụ cho 3 huyện ven biển của tỉnh.