Như một nhân duyên ngoài dự tính, chị Hà Kiều Anh (38 tuổi, ngụ ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) chia sẻ: “Em có gần nửa công đất, lúc đầu chỉ muốn xây dựng cơ sở nấu cơm chay và cho những cô bác không nơi ở đến tá túc. Nhưng ý định nấu cơm phát miễn phí chưa tiến hành thì cô bác thiện nguyện quen biết đã đưa về cho em một ông cụ vất vơ vất vưởng mà họ gặp ngoài đường. Rồi vài cụ bà neo đơn ở địa phương cũng tìm về với mình”…
Lúc đầu, chị không dự định nhận nuôi trẻ mồ côi. Nhưng từ một bé trai vợ chồng chị xin làm con nuôi, một bé gái mới sinh lại được chính tay mẹ ruột mang cho, rồi lần lượt 3 cháu nữa bị bỏ rơi trước cửa nhà. Nếu mái ấm không nhận, các cháu có thể bị đem bán hoặc trôi dạt đến một nơi không được nuôi dạy chu đáo. Nghĩ vậy, vợ chồng chị đã nhận thêm 4 cháu làm con. Gần 1 năm hoạt động, cơ sở thiện nguyện của vợ chồng chị đã cưu mang đùm bọc 5 cụ già neo đơn bệnh tật và 5 cháu mồ côi. Hiện tại, một cụ bà đã qua đời vì căn bệnh u gan ác tính. Cơ sở cũng thuê người quét dọn, nấu ăn, tắm rửa, đút cơm cho các cụ và 2 y sĩ thay phiên chăm sóc sức khỏe các thành viên. Khi có trường hợp cần nhập viện thì y sĩ và vợ chồng chị Kiều Anh thay nhau chăm nuôi.
Tiếng lành đồn xa, một số người già yếu neo đơn các nơi cũng đến xin trú ngụ. Nhưng theo chị Kiều An, chính quyền địa phương yêu cầu cơ sở phải có bác sĩ và chỉ cho chị được nhận nuôi đối tượng cư trú tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, nên đến nay cơ sở chỉ nuôi dưỡng 4 cụ và 4 cháu mồ côi, trong khi quy mô phòng ốc và khả năng tài chính của mái ấm có thể tiếp nhận 30 đối tượng.
Bà Phạm Thị Ngọc Chiếu (74 tuổi, ngụ phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự) sống một mình vì chồng đã qua đời. Các con có khả năng chu cấp chi tiêu cho mẹ nhưng ở xa; bà Chiếu vào tạm trú nơi mái ấm đã gần 3 tháng. Bà tâm sự: “Tui chịu ở đây luôn. Ấm cúng như ở với người nhà, ăn uống được lo đàng hoàng chu đáo”.
Bà Phan Thị Út Lùn (68 tuổi, ngụ ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) không chồng con, bị bệnh tai biến nằm một chỗ. Người cháu họ cưu mang bà đã 10 năm, đến nay vì bận bịu gia đình riêng và không còn khả năng tài chính nên đã nhờ mái ấm đùm bọc.
Cô Liên Bửu, thành viên nhóm thiện nguyện của Hội Từ thiện Đồng Tâm chùa Pháp Vân (TPHCM), chia sẻ: “Người có tấm lòng như Hà Kiều Anh mới làm những việc mà đôi khi ở đời con ruột còn chưa làm được cho cha mẹ. Hễ nghe phòng nào bốc mùi là cô ấy xăn tay áo chạy xuống dìu cụ vào phòng tắm, ân cần nhỏ nhẹ, không ngại hôi hám dơ dáy, rửa ráy lau chùi sạch sẽ cho các cụ”.
Còn chị Kiều Anh bày tỏ: “Lúc các cụ khó tính, không còn minh mẫn, ngây ngô như trẻ con là đã sắp hết một vòng đời. Còn gì nữa đâu mà chấp nhất. Vất vả bao nhiêu em không ngại, chỉ mong chính quyền tạo điều kiện cho em được nhận thêm những hoàn cảnh neo đơn cần giúp đỡ, vì mái ấm được nhận thêm một hoàn cảnh khổ thì xã hội sẽ bớt đi một phần gánh nặng”.