Bệnh dại - báo động đỏ

Hoang mang vì chó dại
Bệnh dại - báo động đỏ

64 người tử vong do bệnh dại, cùng với đó có hơn 175.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại… Số người bị chó cắn và chết vì bệnh dại tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Phú Thọ, Nghệ An, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Tuyên Quang, Hà Nội… Đây là đánh giá mới nhất của Bộ Y tế về diễn biến tình hình bệnh dại từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại cho đàn chó lại rất thấp.

Chó nuôi cần được tiêm vắc xin phòng bệnh dại

Chó nuôi cần được tiêm vắc xin phòng bệnh dại

Hoang mang vì chó dại

Cho tới bây giờ, bà N.T. Thanh ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn không giấu nổi sự sợ hãi khi kể lại cho chúng tôi nghe về lần bị chó cắn. Đó là vào một buổi chiều đầu tháng 8, bà Thanh đang cùng đứa cháu nội chơi ngoài sân. Bỗng nhiên từ ngoài đường, một con chó đen dữ tợn lao thẳng vào sân rồi cắn vào chân bà, sau đó gầm gừ cắn vào tay đứa cháu nội mới lên 6 khiến thằng bé khóc thét. Rất may 2 bà cháu được người dân xung quanh kịp thời phát hiện, đuổi đánh con chó bỏ chạy… Trưởng trạm y tế xã Minh Phú cho biết, khoảng 2 tháng vừa qua, trên địa bàn xã xuất hiện một đàn chó hoang khoảng 3 - 4 con đã cắn hơn 10 người dân ở xã, khiến nhiều người rất lo lắng.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, gần đây tại nhiều địa phương ở phía Bắc xuất hiện nhiều chó hoang và chó nhà thường xuyên cắn người dân. Nếu như tại Hà Nội trong năm 2012 không có ca tử vong nào do bệnh dại thì chỉ trong 2 tháng qua, riêng huyện Sóc Sơn đã ghi nhận trên 130 người bị chó nghi dại cắn, trong đó xã Bắc Sơn có đến 88 người bị chó cắn. Còn tại huyện Phổ Yên và Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), nhiều người dân bị đàn chó lạ nghi mắc bệnh dại tấn công, chỉ riêng huyện Phổ Yên đã có đến 83 trường hợp. Nguy hiểm hơn là tại tỉnh miền núi Yên Bái, cho tới thời điểm này đã có tới hơn 2.500 người bị chó cắn, trong đó 5 người đã tử vong do mắc bệnh dại.

Bệnh bùng phát do chủ quan

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay nguy cơ bệnh dại bùng phát thành dịch lớn rất cao. Bởi lẽ, tính chung trên cả nước từ đầu năm đến nay đã có 175.035 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại, trong đó 64 người tử vong. Không chỉ vậy, vi rút dại còn lưu hành trên đàn chó rất cao. Tại huyện Sóc Sơn, sau khi lấy mẫu chó nghi mắc dại gửi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì cả 4/4 mẫu đều dương tính, còn ở Đại Từ 2/3 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút dại. Đáng lo ngại hơn, nhiều mẫu xét nghiệm lấy tại các lò giết mổ chó cũng cho kết quả dương tính với virus dại.

Lý giải về thực trạng bệnh dại có nguy cơ bùng phát cao, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, nguyên nhân chính do tâm lý chủ quan, cho rằng bệnh dại đã được kiểm soát nên nhiều địa phương giảm sự quan tâm đầu tư cho công tác phòng chống bệnh dại, khiến việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này bị buông lỏng. Trong khi đó, theo đánh giá mới đây của ngành nông nghiệp, hiện nay tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó ở một số địa phương đạt rất thấp, chỉ khoảng 30%, đặc biệt tại các tỉnh trung du miền núi - nơi có dịch bệnh dại tăng cao nhất - tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó chỉ đạt khoảng 10%. Với diễn biến của bệnh dại hiện nay, thiết nghĩ cơ quan chức năng tại các địa phương cần phải vào cuộc khẩn trương, quyết liệt để kiểm soát bệnh dịch trên đàn chó, vì không có chó dại thì sẽ không có người mắc bệnh dại.

Người dân nuôi chó cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại bằng cách chủ động khai báo với chính quyền địa phương để được tiêm vắc xin phòng dại; chó ra đường phải rọ mõm và có người dắt; nếu có hiện tượng bất thường (chạy cắn người hoặc cắn động vật khác) phải nhốt ngay và báo với chính quyền địa phương. Khi bị chó dại cắn phải rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, sau đó rửa bằng cồn 70% và đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm phòng bệnh dại.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục