Bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng

Đây là thông tin đáng lo ngại được Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo thực trạng và các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam được tổ chức ngày 14-5 tại Hà Nội.

(SGGP).- Đây là thông tin đáng lo ngại được Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo thực trạng và các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam được tổ chức ngày 14-5 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam đang phải đương đầu với những khó khăn thách thức to lớn để giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm thì tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng liên tục. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.

Hiện tại nước ta có khoảng 12,5 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu rõ, bệnh không lây nhiễm không những gây thiệt hại về sức khỏe cho người dân mà còn là gánh nặng kinh tế đối với mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm làm tăng chi phí khám chữa bệnh. Do đó, phòng chống bệnh không lây nhiễm là một chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Chính phủ.

Theo các chuyên gia y tế, các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm đang ở mức cao và gia tăng chóng mặt như hiện nay là do lối sống ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia và thức ăn có chứa nhiều chất béo. Ước tính Việt Nam có khoảng 16 triệu người hút thuốc, cứ trong 4 nam giới có uống rượu bia thì có 1 người uống quá nhiều tức là uống trên 60g rượu nguyên chất/ngày, khoảng 7 triệu người đang bị thừa cân béo phì và gần 1/3 số người trưởng thành bị tăng cholesterol máu, trong khi đó tỷ lệ người 30-69 tuổi bị tiền đái tháo đường chiếm gần 13%.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục