Bệnh nhân mang bướu máu khổng lồ đã được phẫu thuật

Tr. càng lớn thì những dấu vết này càng phồng to ra và lớn dần, lan từ đầu xuống mặt. Trước khi phẫu thuật, khối bướu có kích thước 10x15cm, chiếm một phần đầu và gần 1 nửa khuôn mặt của bệnh nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Tr. tại buổi họp báo
Bệnh nhân Nguyễn Thị Tr. tại buổi họp báo

Chiều 30-6, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, BV vừa tiến hành phẫu thuật lấy đi một phần của khối bướu máu khổng lồ trên khuôn mặt của một nữ bệnh nhân tên Nguyễn Thị Tr. (21 tuổi, ngụ tại tỉnh Hà Tĩnh).

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ngay từ lúc mới sinh, trên đầu Tr. đã xuất hiện những vết màu đỏ, chỗ thì bầm tím. Các bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán đó chỉ là bớt máu, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Tuy nhiên, Tr. càng lớn thì những dấu vết này càng phồng to ra và lớn dần, lan từ đầu xuống mặt. Trước khi phẫu thuật, khối bướu có kích thước 10x15cm, chiếm một phần đầu và gần 1 nửa khuôn mặt của bệnh nhân. Thậm chí khối bướu còn chèn ép, che lấp mắt phải khiến mắt phải của Tr. không nhìn thấy gì.

Suốt 16 năm, hai cha con rong ruổi khắp các bệnh viện lớn tại Hà Nội và TPHCM để khám bệnh nhưng đến đâu cũng bị từ chối.

“Cũng có lúc tôi không còn hy vọng gì nhưng nhìn cháu luôn tự ti, mặc cảm, thỉnh thoảng còn có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân khiến tôi không đành lòng”, anh Luận – cha của bệnh nhân nghẹn ngào chia sẻ.

Tháng 6-2017, Giáo sư Mc Kay McKinon - một giáo sư người Mỹ chuyên phẫu thuật sọ mặt, hàm mặt, cắt bướu đã đến Việt Nam và hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật miễn phí cho các trường hợp hiếm gặp và Tr. được gọi vào phẫu thuật.

Ngày 15-6, Tr. được đưa lên bàn mổ để phẫu thuật cắt bướu. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn, Giáo sư Mc Kay McKinon và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ dám thực hiện cắt bỏ 1 phần khối bướu bởi các bác sĩ nghi ngờ khối bướu này không chỉ ở vùng da ngoài mặt mà đã ăn sâu vô não.

Theo bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, “Nếu phần bướu bên ngoài và bướu trong não thông nhau thì chúng tôi lo sợ khi đang mổ bướu ở ngoài sẽ tạo nên áp lực khiến khối bướu ở trong bị vỡ, bệnh nhân có thể chết trên bàn mổ, khối bướu là bướu máu nên khả năng không cầm được máu rất cao và bệnh nhân không thể chịu nổi ca phẫu thuật quá dài.

Sau 4,5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy đi khoảng ½ khối bướu. Hiện tại, mắt phải của bệnh nhân đã có thể nhìn thấy, sức khỏe ổn định và được xuất viện về nhà ngay trong chiều 30-6. Phần còn lại sẽ được tiếp tục phẫu thuật trong những lần tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục