
Lại thêm một vụ ngộ độc khiến gần 100 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Bình Trưng Đông, quận 2) phải nhập viện cấp cứu ngày 2-4 vừa qua. Vụ ngộ độc này gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ ngộ độc tập thể trong trường học đang gia tăng.
Gia tăng nguy cơ ngộ độc

Học sinh Trường Tiểu học Phước Bình Q9 bị ngộ độc thực phẩm được cấp cứu tại BV Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: Tg. Lâm
Trước vụ ngộ độc tập thể tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi nói trên, một vụ ngộ độc lớn hơn xảy ra vào cuối tháng 12-2008 tại Trường Tiểu học Phước Bình, quận 9.
Gần 500 em học sinh bán trú từ lớp 1 đến lớp 5 của Trường Tiểu học Phước Bình phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, đau bụng, nhức đầu. Cơ quan chức năng đã xác nhận nguyên nhân ngộ độc là do ăn phải bánh bông lan nhiễm khuẩn mà nhà trường đã ký hợp đồng cung cấp với cơ sở bên ngoài.
Điều đáng nói, theo điều tra của Phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế TPHCM, tất cả các món ăn phục vụ bữa trưa cho học sinh Trường Tiểu học Phước Bình nói trên do nhà trường tự tổ chức nấu. Tuy nhiên, điều kiện vệ sinh dụng cụ chế biến qua test nhanh cho thấy 5/6 mẫu không đạt.
Hay như trước đó, một vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Trần Bội Cơ, quận 5 cũng đã khiến 34 học sinh phải vào viện cấp cứu. Chỉ vì tin tưởng cơ sở cung cấp, nhà trường đã không kiểm soát chất lượng thức ăn. Do vậy, sau khi ăn trưa với cơm, thịt kho trứng, chả kho tiêu, canh rau ngót nấu thịt bằm và giá xào, hàng loạt học sinh bị ngộ độc…
Chỉ trong năm 2008, TPHCM đã ghi nhận tới 7 vụ ngộ độc tập thể xảy ra trong các trường học, nhất là ở các trường mầm non, tiểu học khiến 638 em phải cấp cứu. Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP, cả năm 2007 chỉ có 2 vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở trường học.
- Trách nhiệm... 2 sở!
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) Sở Y tế TPHCM, nguy cơ ngộ độc từ các bếp ăn trường học luôn tiềm ẩn. Chính ban giám hiệu các nhà trường phải nhìn nhận ra vấn đề này để bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Nếu tự tổ chức nấu ăn, đầu tiên phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo kiến thức về VSATTP, sức khỏe của người chế biến và khâu cuối là nguồn gốc nguyên liệu. Còn hợp đồng với các cơ sở cung cấp suất ăn thì phải kiểm tra xem họ có đủ điều kiện VSATTP, được cấp phép hay chưa và nguồn gốc thực phẩm có an toàn. Tuy vậy, theo ông Hòa, thực tế vẫn không ít ban giám hiệu các trường chưa ý thức được.
Báo cáo với Đoàn giám sát HĐND TPHCM mới đây, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở Y tế và Sở GD-ĐT đã ký văn bản liên tịch về việc phối hợp trong công tác đảm bảo VSATTP trong các bếp ăn tập thể tại trường học.
Theo Sở Y tế, cơ quan này có trách nhiệm triển khai tập huấn kiến thức VSATTP hàng năm (không thu phí) cho giáo viên, bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng tại các trường, hướng dẫn thực hiện 3 bước tự kiểm tra đối với các bếp ăn của trường. Cùng với đó là thanh tra, kiểm tra, xử lý các bếp ăn tập thể trường học không đạt điều kiện VSATTP. Còn trách nhiệm của Sở GD-ĐT là tăng cường chỉ đạo, đầu tư cải thiện điều kiện VSATTP của các bếp ăn tập thể, căn tin các trường học...
Mặc dù Sở Y tế và Sở GD-ĐT đã “bắt tay” nhau nhưng xem ra việc giữ gìn VSATTP trong các bếp ăn trường học vẫn chưa an toàn. Thời tiết oi bức, khó chịu hiện nay cùng với VSATTP không đảm bảo rất dễ dẫn đến các vụ ngộ độc cho trẻ. Trách nhiệm này đang đặt nặng lên vai hai sở.
Vụ gần 100 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi bị ngộ độc: Lấy mẫu điều tra dịch tễ Ngày 3-4, Sở Y tế TPHCM cho biết đã tiến hành lấy mẫu điều tra dịch tễ tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Bình Trưng Đông, quận 2) sau khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường này. Ngoài các mẫu thức ăn, cơ quan y tế cũng lấy mẫu sữa Ovaltine “3 trong 1” (loại 30g x 10 gói, ngày sản xuất 9-7-2008, hạn sử dụng 7-1-2010) do Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát Dutch Lady VN cung cấp cho các em học sinh uống trước khi xảy ra ngộ độc. Cuối tuần tới sẽ cho kết quả xét nghiệm xác định nguyên nhân. |
TƯỜNG LÂM