Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc - Điểm tựa của bệnh nhân nghèo

Có dịp công tác đến Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc (Long An) chúng tôi ngỡ ngàng trước đà phát triển ngày càng lớn mạnh của một bệnh viện huyện. Bên cạnh đó, đơn vị còn duy trì bền bỉ bếp ăn từ thiện, điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân nghèo từ 10 năm qua…
Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc - Điểm tựa của bệnh nhân nghèo

Có dịp công tác đến Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc (Long An) chúng tôi ngỡ ngàng trước đà phát triển ngày càng lớn mạnh của một bệnh viện huyện. Bên cạnh đó, đơn vị còn duy trì bền bỉ bếp ăn từ thiện, điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân nghèo từ 10 năm qua…

Hơn 9 giờ sáng 1-3, bữa cơm trưa cho bệnh nhân đã được chuẩn bị xong. Lần lượt cơm, canh, đồ ăn mặn được các chị phục vụ múc ra, cho vào từng ô trong khay nhựa rất gọn gàng, tươm tất. Đúng 9 giờ 30, giờ phát cơm từ thiện theo quy định của bệnh viện, các nữ y tá bắt đầu di chuyển xe đẩy cơm lên các khu vực bệnh nhân nội trú.

Tại khoa Nhi, vừa nghe có thông báo nhận cơm, các phụ huynh có con em đang điều trị vội vàng bước ra xếp hàng trước cửa phòng. Hỏi về cảm tưởng khi được bệnh viện hỗ trợ suất ăn nhân đạo đầy ý nghĩa này, chị Phạm Thị Bích Phượng (34 tuổi) quê ở Cần Đước, có con đang nằm viện do sốt xuất huyết, phấn khởi nói: “Được bệnh viện cho ngày hai bữa cơm không tốn tiền đối với gia đình làm nông nghèo như tôi và các gia đình khó khăn khác đang nuôi con nằm bệnh tại đây là quá quý. Chúng tôi cảm ơn các y bác sĩ và các nhà hảo tâm rất nhiều”.

Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc - Điểm tựa của bệnh nhân nghèo ảnh 1

Phát cơm từ thiện tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc. Ảnh: Thiện Tâm

Cùng tâm trạng như chị Phượng, bà Nguyễn Thị Hồng Vân (44 tuổi) đang chăm sóc mẹ già nằm chữa trị tại khoa Nội xúc động cho biết: “Nhờ có bữa cơm từ thiện này mà gia đình đỡ phần nào gánh nặng chi phí, để dành tiền lo thuốc cho bà cụ. Tôi mong bệnh viện sẽ tiếp tục duy trì việc phát cơm miễn phí để bệnh nhân nghèo được nhờ”.

Từ năm 2000 trở về trước, Cần Giuộc là địa phương chưa phát triển về kinh tế - xã hội, đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn, trong đó có việc khám và điều trị bệnh. Sau nhiều lần trăn trở suy tư cách thức giúp đỡ bệnh nhân, ban lãnh đạo Trung tâm Y tế Cần Giuộc (tiền thân của Bệnh viện Cần Giuộc sau này) thông qua hội nghị cán bộ viên chức đã quyết định triển khai việc vận động mỗi cán bộ nhân viên đóng góp số tiền 2.000 đồng/người/tháng để gây quỹ nấu cơm cho bệnh nhân nghèo hoặc hỗ trợ phần nào cho bệnh nhân nặng chuyển viện không có tiền. Thời điểm đó, mỗi ngày bệnh viện chỉ cung cấp được 5 suất cơm. Bệnh nhân cơ nhỡ thì nhiều, ngần ấy suất cơm nhân đạo chẳng thấm vào đâu.

Từ thực tế trên, thông qua gợi ý của Ban Từ thiện Hiệp hội Nhựa TPHCM, đơn vị hoạt động xã hội từ thiện khá mạnh, đặc biệt có kinh nghiệm trong việc xây dựng bếp ăn miễn phí, Ban giám đốc Trung tâm Y tế Cần Giuộc đã quyết định cử đoàn cán bộ đến tham khảo cách thức hoạt động tại bếp ăn từ thiện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM).

Cảm kích trước tấm lòng vì bệnh nhân nghèo của đoàn bác sĩ vùng xa, ngay sau các chuyến đi thực tế đó, các doanh nghiệp lớn như Công ty Bia Bến Thành, Công ty cổ phần Hoa Sen cùng một số mạnh thường quân khác đã quyết định hỗ trợ hơn 20 triệu đồng giúp đơn vị xây dựng bếp ăn từ thiện. Có nguồn kinh phí hỗ trợ quý báu đó, bệnh viện đã thành lập ban quản lý bếp ăn, trong đó giám đốc là trưởng ban, thành viên là các trưởng khoa phòng, điều dưỡng cùng với 1 thủ quỹ và 1 kế toán lo việc chi tiêu hàng ngày. Ngoài ra, còn có các bộ phận kiểm tra an toàn thực phẩm, mua thức ăn, thủ kho và nấu bếp. Từng thành viên trong ban quản lý còn có trách nhiệm vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền mặt hay hiện vật phục vụ cho bếp ăn tùy theo khả năng.

“Tưởng rằng chỉ hoạt động với tính chất cầm cự, chứ không ai dám nghĩ là sẽ trụ được và phát triển như hôm nay”, bác sĩ Bay bộc bạch. Thật vậy, nhìn vào bảng số liệu thống kê tình hình hoạt động của bếp ăn với con số tăng liên tục theo từng năm mới thấy được tấm lòng của những “Blousse trắng” tại một địa phương còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nếu như năm 2001 bếp ăn nhân đạo Bệnh viện Cần Giuộc mới chỉ đáp ứng được hơn 10.000 suất thì đến năm 2010 đã lên trên 30.000 suất. Số tiền tồn quỹ từ 13 - 15 triệu đồng những năm đầu, đến cuối năm 2010 đã lên gần 260 triệu đồng. Chất lượng suất ăn cũng tăng dần từ 5.500 đồng (2001) lên 10.000 – 12.000 đồng (2010). Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong chuyên môn và hoạt động từ thiện xã hội mang lại lợi ích thiết thực cho rất nhiều bệnh nhân nói chung và bệnh nhân cơ nhỡ nói riêng, ngoài danh hiệu Anh hùng Lao động đã được phong tặng (2005), tháng 10-2010, Bệnh viện Cần Giuộc đã vinh dự được Chủ tịch nước tiếp tục trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục