Bí ẩn trong thơ Thiền của Hoàng Quang Thuận

Ngày 8-8, tại Hà Nội, Hội Nhà văn VN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà thơ, các học giả để cùng nhau giải mã bí ẩn về chất Thiền trong thơ của ông.

Ngày 8-8, tại Hà Nội, Hội Nhà văn VN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà thơ, các học giả để cùng nhau giải mã bí ẩn về chất Thiền trong thơ của ông.

Cách đây đúng 15 năm, một người lần đầu bước tới non thiêng Yên Tử đã bất ngờ được “khai tâm”. Chính tại nơi này, chỉ trong vòng 3 ngày đêm lưu lại ông đã viết một mạch 63 bài thơ. 3 năm sau, cũng chính ông lại tiếp tục có thêm 80 bài thơ đầy cảm xúc về Yên Tử. Sự lạ đó không chỉ những người trong giới ngỡ ngàng mà ngay cả tác giả, GS-TS Hoàng Quang Thuận, một người trước đây chưa từng làm thơ cũng cảm thấy nghi ngờ chính mình.

Từ một nhà khoa học, GS-TS Hoàng Quang Thuận được giới văn chương biết đến như một nhà thơ của Yên Tử. Với 143 bài thơ chỉ viết xung quanh những địa danh thuộc địa linh Yên Tử trong tập thơ Thi Vân Yên Tử khiến không chỉ độc giả mà cả bạn bè ông cũng phải thấy ngỡ ngàng và cảm phục cái kỷ lục đến nay chưa ai lập được như ông.

Thu Phong băn khoăn không hiểu lý do gì Hoàng Quang Thuận lại dành nhiều tâm và lực của mình cho riêng Yên Tử một cách lạ lùng như thế. Phải chăng ông muốn xác lập kỷ lục để không ai có thể đuổi kịp, hay bởi ông có một mối lương duyên nào đó với vùng này nên phải cố “trả” cho hết? Bất kể lý do gì, với 143 bài thơ Hoàng Quang Thuận viết về Yên Tử cũng đủ cho người ta phải ngưỡng mộ và ngưỡng mộ hơn bởi người đọc không thể tìm thấy sự lặp lại để rồi đọc bài nào cũng thấy thú vị.

Cùng quan điểm này, nhà thơ Trần Nhuận Minh cho rằng trong thơ Việt Nam viết về Yên Tử, tính từ Lý Tự Thành, nhà thơ Thiền đời Lý, từng tu và làm thơ ở Yên Tử, đến nay 1.000 năm, đây là trường hợp duy nhất. Tập thơ Thi Vân Yên Tử do NXB Hội Nhà văn in năm 1998, năm 1999 tái bản bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tổng số 63 bài. Tập thứ hai Ngọa Vân Yên Tử do NXB Hội Nhà văn in năm 2001. Tổng cộng cả hai tập 143 bài, hơi thơ liền mạch, nhất quán, tránh sự đơn điệu trùng lặp, quả là điều không dễ dàng.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thơ của Hoàng Quang Thuận là hiện tượng lạ, hiếm. Bởi lẽ dù có nhiều nhà khoa học làm thơ nhưng hiếm có ai làm nhiều thơ về Yên Tử như ông. Lạ hơn nữa, có những nhà khoa học cao hứng xuất thần làm một bài thơ rồi để đấy, dành thời gian cho khoa học. Song, Hoàng Quang Thuận sau ngày định mệnh ấy ông vẫn là nhà khoa học đồng thời là một nhà thơ.

Về tập thơ Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận, nhà thơ Hữu Thỉnh đã dành những lời ưu ái, ông viết: “Anh làm thơ như người vẽ tranh vậy. Và sau tranh ta bắt gặp hồn người. Thơ anh có đủ yếu tố của thơ Thiền, một sự hòa quyện say đắm giữa cảnh, sự và tình. Tất cả tạo nên những bức tranh tôn giáo trầm mặc mà sống động, thanh khiết mà run rẩy. Hoàng Quang Thuận đặt vào đấy tất cả phần hồn, phần cảm của mình, còn chữ nghĩa vẫn là những vật liệu thông thường như chúng ta thường gặp. Hình như anh cũng không để ý lắm đến kỹ thuật, đến cách tân, mà cứ thả bút theo dòng xiết của tâm hồn. Thơ của Hoàng Quang Thuận là những bức tranh đan dệt bằng tâm hồn của một nhà khoa học”.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân cho rằng bên dưới cái vỏ bọc của ngôn từ, những triết lý cơ bản của nhà Phật, sự huyền vị của tạo hóa, quan điểm về lẽ nhân sinh, sự tán tụ của kiếp người được nhà thơ thuyết pháp một cách đầy cảm hứng qua bút lực của thi ca. Không dừng lại ở đó, tập Thi Vân Yên Tử đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp bởi một số dịch giả như Nguyễn Đình Tuyến, Hoàng Hữu Đản, Thái Bá Tân. Gần đây, Giáo sư người Mỹ David đã xin phép tác giả được sử dụng thơ trong tập Thi Vân Yên Tử để dạy trong một số trường đại học ở Mỹ.

Cuộc hội thảo đã khép lại với hơn 20 tham luận. Có ý kiến cho rằng thực chất đây là thơ du ký, thi ký, vịnh cảnh, thơ tâm linh… Tuy vẫn chưa tìm được nhiều tiếng nói đồng thuận, song hội thảo đã gợi mở nhiều điều thú vị về hiện tượng văn học, hiện tượng Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục