

Các trang trại ở ĐBSCL nuôi cá sấu trong điều kiện thiếu an toàn.
Thời gian qua, việc cá sấu xổng chuồng liên tiếp xảy ra gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Vụ cá sấu của nhà ông Phạm Văn Trắng, ngụ ấp 3, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, xổng chuồng, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn trong quản lý của các trại nuôi cá sấu tại ĐBSCL.
Theo thống kê của các tỉnh ĐBSCL, hiện nay toàn vùng có khoảng 150.000 con cá sấu được người dân nuôi. Tuy nhiên, giá cá sấu gần đây trồi sụt bất thường - có lúc xuống còn 60.000 đồng/kg (loại cá sấu 15 kg/con), giảm gần một nửa so với năm 2006. Trong khi đó chi phí về thức ăn, xây dựng chuồng, trại, nhân công… lại không ngừng “leo thang” khiến nhiều người nuôi cá sấu thua lỗ. Vì vậy việc gia cố, sửa chữa chuồng trại xuống cấp gần như bị lãng quên. Những trại cá sấu chỉ quây tạm bằng lưới thép B40 không đảm bảo an toàn đang phổ biến tại ĐBSCL nên khả năng xổng chuồng của cá sấu rất cao.

Nguy cơ cá sấu xổng chuồng là rất cao.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết: “Hiện nay cá sấu được mua chủ yếu để làm thịt nên loại nặng 15kg/con là ngon và dễ bán nhất. Nếu cá sấu không bán được để càng lớn càng mất giá, người nuôi lỗ là cái chắc”. Bạc Liêu hiện có hàng ngàn con cá sấu đã “quá khổ” nhưng vẫn chưa thể xuất chuồng vì rất khó kiếm được người mua. Sau những vụ việc cá sấu xổng chuồng, khâu quản lý các cơ sở nuôi đang được siết chặt. Đối với những hộ muốn nuôi phải có đăng ký, ngành sẽ cử cán bộ kiểm định cơ sở đủ điều kiện mới cấp sổ cho nuôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại ĐBSCL cá sấu rớt giá, tình trạng chuồng trại bị “lãng quên” không đảm bảo an toàn đang khá phổ biến.
Cách đây vài tháng, người dân phường 9, TP Cà Mau được một phen “tá hỏa” khi con cá sấu 30kg (của một hộ nuôi ở phường 7) tẩu thoát xuống sông khi đang vận chuyển. Sau hàng tuần huy động lực lượng truy lùng, con cá sấu này mới bị bắt và đưa về chuồng. Sự thiếu an toàn cũng thể hiện rất rõ ở Sóc Trăng, rất nhiều hộ dân quây trại nuôi cá sấu cặp kênh mương. Ông Phan Văn Xê, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, cho biết: “Việc tìm đầu ra cho con cá sấu ở địa phương hiện gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ trại quan tâm đến việc gia cố hàng rào, che chắn bảo vệ nghiêm ngặt cá sấu”.
Khuyến cáo là vậy, nhưng thực tế ngành chức năng cũng không thể theo sát từng hoạt động của các hộ nuôi. Đối với trại nuôi tại các khu du lịch, mức độ an toàn cũng chưa thật sự đảm bảo. Cuối tháng 8-2007, tại một khu du lịch ở Phú Quốc đã xảy ra vụ tai nạn khủng khiếp khi con cá sấu trên 100kg cắn lìa cánh tay của một thiếu niên 15 tuổi. Tại Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, nhiều khu du lịch sinh thái nuôi cá sấu chưa thực sự đảm bảo, trong khi phương tiện và lực lượng cứu hộ tại chỗ thiếu và yếu.
Nhóm PV
Chưa tìm thấy 3 con cá sấu xổng chuồng ở Bến Tre Đến chiều 5-3, ông Phạm Văn Trắng đã xây tường bao từ 1m lên 1,5m và chia làm 300 ngăn chuồng tại trại nuôi cá sấu của mình. Được biết, ông Trắng có 10.000m2 đất vườn, trong đó ông sử dụng 6.000m2 làm chuồng trại nuôi cá sấu. Đối với phần đất 6.000m2, ông Trắng xây tường và rào lưới B40 cao khoảng 2m, chuồng trại thì ngăn ra từng ô riêng. Tuy nhiên, chính cửa lưới B40 không đủ chắc chắn để cá sấu thoát ra ngoài và rất may chúng chưa táp phải ai. Đến ngày 5-3, vẫn chưa có thông tin gì về 3 con cá sấu xổng chuồng. |