(SGGPO).- Từ tuổi ấu thơ đến tuổi thanh thiếu niên là một cuốn sách tuy nhỏ nhắn nhưng chạm đến nỗi khát khao nuôi dưỡng tâm hồn lẫn thể chất trẻ thơ giai đoạn 7-12 tuổi của những ai yêu thương con trẻ.
Từ tuổi ấu thơ đến tuổi thanh thiếu niên là bản Việt ngữ đầu tiên của tác phẩm Dall’ Infanzia all’ Adolescenza của bác sĩ lừng danh Maria Montessori. Cuốn sách được xuất bản đầu tiên vào năm 1948.
Bản chuyển ngữ tiếng Việt này được xuất bản năm 2016 do sự cộng tác của Đại học Hoa Sen và VMEF (Vietnam Montessori Education Foundation), dựa trên phiên bản Anh ngữ thứ hai được in vào năm 1976 của NXB Schocken Books Inc.
Sau những quyển sách - như Trẻ thơ trong gia đình, Bí ẩn tuổi thơ, Em bé hạnh phúc… - trình bày về đường lối giáo dục cho giai đoạn phát triển từ những năm đầu đời đến 6 tuổi của đứa trẻ, tác phẩm này của Maria Montessori tiếp tục đề cập vai trò của giáo dục và cách tiếp cận tối ưu trong giai đoạn đứa trẻ từ 7-12 tuổi.
Bìa sách Từ tuổi ấu thơ đến tuổi thanh thiếu niên của Maria Montessori, Bùi Thanh Châu dịch, Nghiêm Phương Mai hiệu đính
Khi con trẻ 7 tuổi, chúng ta cùng con bước vào thời kỳ của những chuỗi mắt xích tinh tế tiếp theo liên quan đến thể chất và tâm lý. Cùng với cơ thể vọt cao, thon gầy, tóc mềm mại hơn, đứa trẻ cũng trở nên “ít dễ chịu hơn”, bắt đầu có xu hướng tách ly.
Đọc Montessori để thấy được những đặc điểm đạo đức cần có của đứa trẻ giai đoạn này. “Nếu, từ trước đến giờ, điều quan trọng là làm sao đừng đâm sầm vào người đi đường, thì giờ đây điều quan trọng đáng kể hơn là đừng xúc phạm người đó”. Mối tương tác của đứa trẻ với người khác được nâng lên, đứa trẻ biết bảo vệ người yếu thế, giúp đỡ người già, người bệnh…
Cùng với đó, ranh giới cho những trải nghiệm xã hội của đứa trẻ dần rộng mở và “việc thích nghi với xã hội sẽ trở nên gai góc hơn”, theo Montessori. Chẳng hạn, đứa trẻ cần biết tiền tượng trưng có cái gì. Montessori viết: “Không có tiền chúng ta có thể lướt qua những điều tuyệt vời nhất mà không bao giờ có thể chạm vào được chúng… Vì lẽ đó điều cần thiết là đứa trẻ phải có những trải nghiệm trực tiếp trong việc tự mình mua những vật dụng và rằng chúng phải đi đến những nhận thức về những gì chúng có thể mua được với một đơn vị tiền tệ của quốc gia mình”.
Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những chuyến đi bộ đường dài, việc nâng niu đôi bàn chân, cách đóng gói đồ đạc… Những bài tập này không đơn thuần là rèn luyện sự nhuần nhuyễn trong kỹ năng mà ẩn chứa bên trong đó là những dự tính của người thầy về một bình diện cao hơn, giáo dục trên phương diện trừu tượng. Những trải nghiệm thực tế giúp trẻ nhận biết được thực tại dẫn đến việc biết tự kiểm điểm, liên tục điều chỉnh mình và từ đó thức tỉnh lương tâm nơi cá nhân trẻ.
Đặc biệt trong cuốn sách, Maria Montessori đề xướng một nền giáo dục mang tính vũ trụ (cosmic education), vốn đã được khởi động ngay từ giai đoạn đầu tiên ở Ngôi nhà trẻ thơ (đọc cuốn Trẻ thơ trong gia đình của cùng tác giả), nay tiếp tục trong giai đoạn 7-12 tuổi của đứa trẻ.
Đó là lý do nước, carbon, những kinh nghiệm hoá học trở thành nội dung của một vài chương trong cuốn sách. Người thầy, theo Montessori, không chỉ là người yêu thương và thấu hiểu đứa trẻ mà phải là người yêu thương và thấu hiểu vũ trụ, và rồi ông truyền tải cảm nghiệm cho đứa trẻ. Qua đó, đứa trẻ cảm nhận một tình yêu sâu sắc đối với môi trường và trở thành một phần của mội trường.
Phần phụ lục là những chương hữu ích về mô hình giáo dục Erdkinder (Con của mẹ đất), kế hoạch học tập và làm việc, chức năng của đại hoc...
Khép cuốn sách lại, chúng ta có thể thấy người lớn đã có lỗi thật nhiều với con trẻ khi bảo bọc chúng bằng đôi tay luôn chìa ra, bằng những bức tường khép kín của gia đình và trường học, bằng những định kiến sai lầm và lạc hậu. Khép cuốn sách lại, chúng ta trong tâm thế không chần chừ cùng con bước ra ngoài cho một chuyến đi đường dài cần thiết.
ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ Maria Montessori sinh ra ở Chiaravalle, Italia, và mất tại Noordwijk, Hà Lan. Bà là người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp Y khoa, Đại học Roma (1894). Năm 1899, bà bắt đầu nghiên cứu về các vấn đề giáo dục trẻ, dựa theo một số khái niệm do bác sĩ E. Seguin khởi xướng. Ngày nay, hệ thống giáo dục mang tên bà, do Association Montessori Internationale (AMI) đại diện và giám sát, có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới đã góp phần tạo dựng một nền tảng thiết yếu và đích thực cho việc giáo dục trẻ nhằm xây dựng một thế giới hoà bình và tiến bộ cho con người. |
LÂM AN