Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng: Cần cơ chế điều phối, liên kết vùng cụ thể

° Sẽ hình thành nhiều trục giao thông quan trọng
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng: Cần cơ chế điều phối, liên kết vùng cụ thể

° Sẽ hình thành nhiều trục giao thông quan trọng

Ngày 16-7, tại TPHCM diễn ra hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2007-2015 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2016-2020 giữa TPHCM và tỉnh Long An.

Đến dự hội nghị có các đồng chí: Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An.

Ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 giữa TPHCM và tỉnhLong An  Ảnh: TTXVN

Theo các đại biểu, việc thực hiện các nội dung trong chương trình hợp tác giữa hai địa phương luôn được chú trọng. Hai địa phương thực hiện trao đổi các thông tin trong việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông, cấp nước; thực hiện các dự án hạn chế ô nhiễm môi trường trên sông Cần Giuộc, kênh Thầy Cai và dự án chống ngập của TPHCM. Long An là địa bàn chiến lược cung ứng nguồn thực phẩm, nông sản sạch cho TPHCM… Ở tầm vĩ mô, hai bên đã thống nhất các nội dung trong quản lý, xây dựng và thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Long An và TPHCM tầm nhìn đến năm 2025; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các huyện giáp ranh; các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ lực.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường, Long An là tỉnh giáp ranh với TPHCM, có nhiều tuyến đường kết nối tốt giữa hai địa phương, như cao tốc Trung Lương, quốc lộ 1, tỉnh lộ 10... để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa TPHCM và Long An phát triển thì phải có thêm những trục giao thông tạo động lực mới chứ không thể chỉ dựa vào những trục đường hiện có. Trên tinh thần đó, hai bên đã thống nhất sẽ xây dựng các đường mới; nâng cấp, mở rộng các đường hiện hữu, như: đầu tư xây dựng cầu Rạch Dơi nối với huyện Nhà Bè; nâng cấp tỉnh lộ 822 nối với Củ Chi, nâng cấp tỉnh lộ 824 với huyện Hóc Môn, nâng cấp tỉnh lộ 825 nối với Bình Chánh, cải tạo nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 50, cầu Tân Bửu, cầu Kênh Xáng Ngang, xây dựng bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc. Đồng thời, mở rộng các tuyến đường vành đai và dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành… Theo ông Bùi Xuân Cường, một số dự án kết nối giữa TPHCM và Long An đang triển khai nhưng gặp khó khăn, chủ yếu về vốn.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh La Thăng nhận xét, Long An có rất nhiều lợi thế và nằm sát bên TPHCM. Nếu Long An phát triển tốt hơn sẽ tiếp thêm lực đẩy cho TPHCM phát triển. Trên thực tế, việc triển khai hợp tác TPHCM - Long An được thực hiện từ nhiều năm qua nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết các cơ chế, nguồn lực vẫn chỉ thực hiện theo lợi ích, cục bộ địa phương nên bị phân tán, không có sự phân cấp rõ ràng. “Theo tôi, mấu chốt để hợp tác đạt hiệu quả và thúc đẩy các địa phương phát triển là xử lý tốt vấn đề liên kết vùng, có quy hoạch theo chức năng, theo không gian. Mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM đã kiến nghị phải có cơ chế điều phối, liên kết vùng cụ thể cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giao cho một phó thủ tướng phụ trách. Bởi trên thực tế, không thể nào TPHCM chỉ đạo được Long An hay Long An chỉ đạo được TPHCM. Thực hiện tốt liên kết vùng thì mới tập trung được nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển chung cho cả vùng” - đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu phải cụ thể hóa hơn nữa các nội dung hợp tác. Điều cần thiết là phải xây dựng được cơ chế hợp tác thật chi tiết, trong đó liên kết cứng, liên kết mềm là gì. Theo gợi ý của đồng chí Đinh La Thăng, liên kết cứng là phải hợp tác để xây dựng được hạ tầng giao thông, năng lượng, logistics. Còn liên kết mềm là việc hợp tác cùng nhau để xử lý các vấn đề như nhà máy rác, môi trường, đào tạo, công nghệ, tài chính… Tất cả các nội dung, dự án thực hiện phải dựa trên cơ sở thống nhất cao giữa hai địa phương. Chỉ có sự thống nhất mới giải phóng, huy động được mọi nguồn lực tham gia đầu tư.

Theo đồng chí Đinh La Thăng, lâu nay chúng ta nói nhiều về việc muốn phát triển, kết nối giao thông giữa hai địa phương nhưng không có vốn hoặc vướng cái này, cái kia. Thực tế cho thấy, nếu có tiền sẵn thì ai làm cũng được. Nhưng phải làm thì mới biết khó ở đâu để tìm cách tháo gỡ. Chúng ta nắm trong tay nhiều nguồn lực, đặc biệt là về đất đai. Cần tiến hành rà soát tổng thể xem khu vực nào mang lại hiệu quả cao, thì mạnh dạn huy động các nguồn lực cùng tham gia để lấy vốn đầu tư cho hạ tầng. Nếu chúng ta làm tốt, trong 5 năm tới, hai địa phương hoàn toàn có thể kết nối về cơ chế, chính sách, hạ tầng, hướng đến phát triển bền vững.

TPHCM - Long An ký kết 12 nội dung hợp tác

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020, trên các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp - thương mại, thu hút đầu tư, giao thông vận tải, phát triển đô thị, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao và du lịch, an sinh xã hội, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, an ninh chính trị và trật tự xã hội.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục