Biển, đảo trong thơ hôm nay

Biển – đảo, một phần lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc mang những dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước sâu đậm của dân tộc ta gắn với hình ảnh của những người lính ăn sóng nói gió xưa và nay là nguồn cảm hứng rất quen thuộc và ấn tượng của những người cầm bút.
Biển, đảo trong thơ hôm nay

Biển – đảo, một phần lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc mang những dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước sâu đậm của dân tộc ta gắn với hình ảnh của những người lính ăn sóng nói gió xưa và nay là nguồn cảm hứng rất quen thuộc và ấn tượng của những người cầm bút.

Ảnh: T.L.

Ảnh: T.L.

Trong mấy năm gần đây đã xuất hiện nhiều bài thơ viết về biển – đảo như: Lính biển xem chèo của Mai Nam Thắng, Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng, Lính đất Mũi của Phạm Đương, Ngày về phép của Thanh Yến, Đi qua mùa giông bão của Nguyễn Văn Hiếu, Lời biển của Nguyễn Quyết Thắng, Quê hương của Anh Vũ, Về những trái ngư lôi chưa phóng của Trần Thu Hà, Ký tự sóng của Hoàng Chiến Thắng, Búi tre ở Trường Sa của Văn Chinh, Từ hộp thư của người lính biển của Nguyễn Thúy Quỳnh, Vọng biển của Đoàn Văn Mật, Cột buồm tháng năm của Lữ Thị Mai, Bơi trên sông Giá, Ghen của Khuất Quang Thụy, Trường Sa nhìn gần, Lính biển, Giá chiều nay quân cảng có em… của Nguyễn Hữu Quý…

Nguyễn Thanh Mừng sau những thao thức, rung động về sự hy sinh của người lính hải quân thời bình đã dựng lên một bài thơ dài 110 câu, mang vóc dáng trường ca. Trong Hào phóng thềm lục địa, hình ảnh người chiến sĩ hải quân hiện lên thật đẹp: Những tiện nghi, những ngôn từ những điều kiện sinh tồn tối thiểu của đời người/Các anh cứ giản lược hồn nhiên/Quen việc căng thân mình đầu sóng gió/Quen cơn bão đánh tên bằng con số…

Phạm Đương trong Lính đất Mũi giàu chất biểu tưởng và ẩn dụ, đã khắc tạc được hình ảnh người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc: Giăng mắc ngang chiều những sư đoàn binh đoàn/âm thầm, cắm rễ/giăng mắc ngang trời nơi cửa sông/trĩu nặng hai vai đất đai Tổ quốc/những – người – lính – đước.

Nguyễn Anh Vũ, tác giả trẻ chuyên viết văn xuôi có bài thơ về Trường Sa thật độc đáo và xúc động: Mẹ vượt cạn/ sinh con/cha vượt biển/cùng đồng đội hành quân trên sóng…

Trần Thu Hà, sau khi được nghe kể về sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Tự, thuyền trưởng tàu phóng lôi và hai pháo thủ ở hải đội 135 trong trận đánh đuổi tàu Mỹ tại vịnh Bắc bộ năm 1964, đã viết bài thơ Về những trái ngư lôi chưa phóng đầy đặn cảm xúc và mới mẻ trong hình ảnh: Hoa sóng cứ bay/Chị biết về những ngôi sao xanh, về những trái ngư lôi chưa phóng…

Từ câu chuyện về người lính Trường Sa trồng tre làm diều thả giữa biển trời bao la, Văn Chinh đã diễn đạt thành bài thơ đậm chất tự sự như thông điệp hòa bình của dân tộc ta gửi tới nhân loại. Và, cái cách chăm sóc tre, làm diều ở quần đảo bão tố cũng không giống nơi nào cả: Tre chiều hướng gió thân vươn/Tháng năm măng dần trổ lá/Tháng mười thành góc quê hương/Tre cằn dóng ngắn nối nhau/Bện nhau mà thành khung diều…

Phùng Hải Yến, cô gái thế hệ 8X, sinh viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội có những câu thơ tặng chiến sĩ hải quân rất lãng mạn và ấm áp: Bầu trời mở ra từ khoang lái/Mơ hồ thấy anh vượt biển, xung quanh dập dềnh sóng/Cuộn tay rắn chắc lái, ánh mắt đăm chiêu nhìn/bầu trời của anh là mặt biển…

Còn Thanh Yến thật dễ thương hồn hậu với bài thơ Ngày về phép đầy chất lãng mạn của lính biển trong đời thường: Anh muốn đặt chiếc hôn/Vào má con bụ sữa/Chợt nhớ ra mấy bữa/ Dao cạo râu không còn…

Còn không ít bài thơ, câu thơ viết về biển đảo, về người chiến sĩ hải quân khá xúc động. Biển đảo là đề tài không bao giờ vơi cạn của văn học bởi từ xưa đến nay phần lãnh thổ thiêng liêng này gắn liền với số phận dân tộc. Từng hải lý, từng tấc đảo, Hoàng Sa, Trường Sa… là máu, mồ hôi của ông cha để lại. Người lính biển phải gánh gồng trách nhiệm giữ gìn biển đảo nặng nề hơn bao giờ hết. Văn học nói chung và thơ nói riêng không thể thờ ơ hay đứng ngoài những vấn đề lớn của dân tộc. Hành trình lịch sử của dân tộc và con đường thi ca chân chính chưa bao giờ tách biệt nhau với hạt nhân của nó là lòng yêu nước nồng nàn. Những bài thơ hay về biển đảo chính là mong mỏi, hy vọng của chúng ta trong đó có người chiến sĩ hải quân.

Nguyễn Hữu Quý

Tin cùng chuyên mục