Biển Đỏ đối diện với thảm họa an ninh và môi trường

Sau khi bị lực lượng Houthi tấn công ở Vịnh Aden (nằm giữa Yemen và Somalia) hôm 18-2, tàu hàng Rubymar chở hơn 41.000 tấn phân bón của Anh đang chìm dần xuống biển và để lại vết loang dầu dài khoảng 28km.

Nguy cơ thảm họa môi trường

Theo tờ New York Times, một số cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ đã gây ra nhiều thiệt hại, nhưng cuộc tấn công vào tàu Rubymar có tính chất nghiêm trọng nhất. Vết dầu loang để lại có thể là một “thảm họa môi trường” và mọi việc càng tồi tệ hơn nhiều nếu hàng chục ngàn tấn phân bón trên tàu tràn ra Biển Đỏ.

cn8a-476.jpg
Vết dầu loang từ tàu hàng Rubymar ở Biển Đỏ. Ảnh: CNN

Theo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, thủy thủ đoàn gồm 24 người đã được sơ tán an toàn ra khỏi tàu Rubymar, tuy nhiên hàng hóa là phân bón có thể tràn ra Biển Đỏ. Loại phân bón mà Rubymar mang theo được Tổ chức Hàng hải quốc tế, cơ quan quản lý hoạt động vận chuyển toàn cầu của Liên hợp quốc, phân loại là “hàng nguy hiểm có hậu quả cao”. Cuộc tấn công đã làm gia tăng mối lo ngại đối với các rạn san hô độc đáo của Biển Đỏ.

Tiếp tục đe dọa

Liên quan tới chiến sự, ngày 23-2, sau khi liên quân Mỹ - Anh tuyên bố oanh kích thành phố cảng Hodeidah, nơi có căn cứ quân sự của Houthi, lực lượng này đã đe dọa phong tỏa tuyến đường vận chuyển quan trọng ở Biển Đỏ. Trên mạng xã hội X, ông Hussein al-Ezzy - quan chức của Houthi - cho biết lực lượng này đang cân nhắc “đóng cửa hoàn toàn eo biển Bab al-Mandab trong những ngày tới” nhằm gây áp lực buộc Israel phải chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza.

Nếu eo biển Bab al-Mandab - điểm huyết mạch quan trọng đối với giao thông hàng hải giữa Biển Đỏ và Ấn Độ Dương - bị phong tỏa, nguồn cung cấp dầu mỏ và thương mại toàn cầu sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.

Các cuộc tấn công của Houthi đã buộc một số hãng vận tải biển chủ chốt phải ngừng cho tàu di chuyển qua Biển Đỏ - nơi thường vận chuyển khoảng 12% thương mại hàng hải toàn cầu - và chuyển hướng đi qua Mũi Hảo vọng ở cực Nam châu Phi.

Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào Suez, ông Osama Rabie, nói rằng số lượng tàu đi qua kênh đào Suez trong 2 tuần đầu tháng 1-2024 đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 777 tàu xuống còn 544 tàu. Theo ông Rabie, doanh thu được tính bằng USD từ kênh đào Suez trong 2 tuần đầu tháng 1-2024 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi khối lượng vận chuyển giảm 41%.

Căng thẳng leo thang giữa Houthi và các cường quốc phương Tây đang đẩy khu vực Biển Đỏ vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, theo THX, hạm đội thứ 46 của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã rời Trạm Giang - thành phố cảng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông ngày 21-2 để đến Biển Đỏ nhằm bảo đảm an ninh cho vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somalia.

Hạm đội này thay thế hạm đội thứ 45, bao gồm tàu ​​khu trục mang tên lửa dẫn đường Tiêu Tác, tàu khu trục mang tên lửa Hứa Xương và tàu tiếp tế toàn diện Honghu. Trên hạm đội có hơn 700 cán bộ, chiến sĩ cùng 2 trực thăng.

Tin cùng chuyên mục