Theo đó, trong những ngày cuối tháng 7, trên khu vực Bắc biển Đông có khả năng cao hình thành 1 áp thấp nhiệt đới. Trong những ngày đầu tháng 8-2019, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển về phía đất liền. Các mô hình dự báo của châu Âu và của các đài dự báo bão tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay cho rằng, cơn bão này có thể đổ bộ vào Bắc bộ.
Tuy nhiên, hiện Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia chưa đưa ra nhận định về hướng di chuyển của cơn bão này.
Theo nhận định sớm, từ ngày 28-7, trên vùng biển phía nam (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), gió mùa Tây Nam sẽ hoạt động mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 sau tăng lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2-3m. Biển động.
Về tình hình hạn hán khốc liệt đang xảy ra tại Trung bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cho biết:
Ngày 27-7, các tỉnh Trung bộ tiếp tục có nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ C. Nhưng từ ngày 28 đến 29-7, nắng nóng dịu dần, từ ngày 30-7 nắng nóng sẽ kết thúc ở khu vực này, chiều và tối có mưa dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Khoảng từ đêm 2 đến 4-8, mưa lớn có khả năng xuất hiện ở Bắc Trung bộ.
Những ngày đầu tháng 8, trên các sông suối nhỏ thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Tình hình hạn hán, thiếu nước ở khu vực các tỉnh trên có khả năng sẽ giảm nhẹ; các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận tiếp tục diễn ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn (đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên).
Tại Nam bộ và Tây Nguyên, ngày và đêm 27-7, Nam bộ sẽ có mưa rào và dông vài nơi. Từ ngày 28-7, mưa dông tăng lên, có nơi mưa vừa đến mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.