Chỉ 30% bãi chôn lấp hợp vệ sinh
Theo Tổng cục Môi trường, tại nước ta, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị khoảng 85%, ở khu vực nông thôn khoảng 40%-50%. Phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp. Hiện có khoảng 30% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Cả nước có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân hữu cơ, 300 lò đốt chất thải sinh hoạt quy mô nhỏ.
Việc đầu tư, xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh phần lớn chỉ được thực hiện ở một số địa phương có nguồn thu ngân sách cao. Việc thiếu các công nghệ xử lý rác hiện đại đã và đang gây áp lực lớn cho công tác xử lý rác thải đô thị.
Nhiều chuyên gia nước ngoài đã có những nhận xét, đánh giá và đưa ra giải pháp để hạn chế việc chôn lấp rác thải cho Việt Nam. Theo ông Jorg Ruger, phụ trách môi trường của Đại sứ quán Đức, Việt Nam hiện ở tình trạng giống Đức năm 1972, khi nước này có 50.000 bãi chôn lấp rác. Chính phủ Đức sau đó nhận ra việc chôn lấp rác gây ô nhiễm và không tận dụng được nguồn tài nguyên này nên đã đề ra nhiều phương pháp thay thế.
Đến năm 2016, Đức giảm còn 300 bãi chôn lấp rác và dự kiến xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Đức thực hiện nghiêm quy định phân loại rác tại nguồn, tái chế rác và chỉ cho chôn lấp những loại rác không thể tái sử dụng. Nước này còn áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; mỗi cá nhân, tổ chức phải đóng phí tùy theo mức độ xả rác.
Ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc, cũng cho biết trong vòng 30 năm (1982 - 2013), nước này đã giảm được tỷ lệ chôn lấp rác thải từ 96% xuống còn 16% và mục tiêu đến năm 2025 đưa con số này về ngưỡng 3%.
Để làm được mục tiêu đặt ra, Hàn Quốc đã ban hành đạo luật khung về tuần hoàn tài nguyên, trong đó quy định mức phí chôn lấp rác cao, với mục đích khuyến khích tái chế rác. Ngoài ra, các hộ gia đình ở Hàn Quốc phải đựng rác trong các túi do chính quyền địa phương bán, thông qua việc mua túi người dân đóng phí xử lý rác thải.
Nhà nào xả rác nhiều thì phải mua nhiều túi. Tương tự, các nhà sản xuất cũng được giao trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm của mình. Đơn vị nào không thực hiện sẽ bị chế tài với phụ phí lên tới 30%.
Nỗ lực kéo giảm chôn lấp rác
Thống kê của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, mỗi ngày thành phố thải ra môi trường gần hơn 8.000 tấn rác thải sinh hoạt (có đến 76% lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp). Đó là chưa kể đến một khối lượng lớn rác thải từ công nghiệp xây dựng, y tế… Thành phố cũng đang nỗ lực giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 50% vào năm 2025 và 20% đến năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã và đang đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu vừa đốt rác vừa phát sinh năng lượng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn. Điển hình là mô hình khu phố xanh ở quận Tân Phú do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM triển khai.
Tại đây đã có 2.000 hộ gia đình hưởng ứng tự nguyện duy trì vĩnh viễn hoạt động phân loại rác tại nguồn, được xem là mô hình khu dân cư thực hiện phân loại rác tại nguồn thành công nhất tại TPHCM, tính đến thời điểm hiện nay.
Vừa qua, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM), Công ty cổ phần Vietstar tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar (VST) có tổng diện tích 30ha, đang xử lý 2.000 tấn rác/ngày, sản xuất 7.500 tấn phân hữu cơ/tháng và 300 tấn nhựa PE/tháng. Nhà máy bắt đầu vận hành từ năm 2010 và được xem như là điển hình về phân loại, xử lý và tái chế rác tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, mô hình đốt rác phát điện đã được UBND TPHCM chấp nhận chủ trương. Theo đó, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ cấp phép ít nhất cho 3 đơn vị xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện, gồm Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Vietstar và Công ty Môi trường Tasco Củ Chi.
Công nghệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích như thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia; có thêm các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng...
Đồng thời giảm được khối lượng chất thải đem chôn lấp; giảm diện tích đất chôn lấp và tạo nguồn năng lượng xanh hơn. Bên cạnh đó, sẽ giảm phát thải khí nhà kính, ít phát sinh nước rỉ rác và mùi hôi.