Bịn rịn ngày chia tay

Sau gần 2 tháng không quản ngại khó khăn, tạm xa gia đình để kề vai sát cánh cùng đồng nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu phòng chống dịch Covid-19, những “chiến binh áo trắng” đến từ miền đất thép Thái Nguyên đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và chia tay để trở về. 
Các y bác sĩ Thái Nguyên quyến luyến lúc chia tay
Các y bác sĩ Thái Nguyên quyến luyến lúc chia tay

Trong phòng trực của Bệnh viện dã chiến (đặt tại ký túc xá Trường Cao đẳng Dầu khí), mọi người tập trung đông đúc hơn ngày thường. Bởi, hôm nay là ngày các bệnh nhân và y bác sĩ tại đây chia tay các y bác sĩ tình nguyện của tỉnh Thái Nguyên vào hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu khi dịch Covid-19 bùng phát. 

2 tháng trước, đoàn cán bộ y tế gồm 20 người từ Thái Nguyên vào chi viện cho Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó 8 người nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến.

Điều dưỡng Dương Văn Sơn (26 tuổi), chia sẻ: “Lúc lên đường chúng tôi đã xác định đây là nhiệm vụ khó khăn vất vả, khi vào đến nơi thấy bệnh viện còn ngổn ngang do mới thành lập. Quy mô bệnh viện 800 giường bệnh mà nhân lực chỉ hơn chục người, chưa kể máy móc, thuốc men cũng thiếu thốn nên ai nấy đều lo lắng”.

Cũng giống như Sơn, điều dưỡng Nguyễn Thị Hương (40 tuổi) dù có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cũng không khỏi ngỡ ngàng. Nhân lực ít nên công việc “đầy như núi”, điều dưỡng phải kiêm luôn cả công việc sổ sách, nhập liệu, hướng dẫn bệnh nhân ra vào khu điều trị. 

Còn với bác sĩ đa khoa Tô Thị Hường (25 tuổi), người con gái dân tộc Tày quê ở Cao Bằng, việc đêm hôm thức dậy thăm khám cho bệnh nhân không còn xa lạ. Nỗi nhớ gia đình, bạn bè đành tạm gác lại để dồn sức cho việc chăm sóc bệnh nhân. Có những ngày mệt lả, về đến phòng là ai nấy lăn ra ngủ. Về sau đội ngũ y tế, tình nguyện viên của địa phương được bổ sung, khó khăn từng bước được giải quyết. 

Bằng ý chí kiên cường, đồng cam cộng khổ, sau gần 60 ngày cùng với lực lượng tại chỗ, hơn 1.000 bệnh nhân mắc Covid-19 ở bệnh viện dã chiến nơi đây đã khỏi bệnh. Tình hình dịch bệnh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản kiểm soát, chiến sĩ tình nguyện cũng đã đến lúc nói lời tạm biệt với thành phố biển để trở về thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Bữa cơm chia tay đồng nghiệp chỉ có vài chiếc chén nhựa đựng vài con tôm, con cá của người dân miền biển, nhưng lại vô cùng ấm áp. Trong nghẹn ngào xúc động, bác sĩ Hoàng Thị Luân (27 tuổi), người con gái quê Bắc Giang 2 lần xung phong đi chống dịch, tâm sự: “Em sẽ nhớ mãi những kỷ niệm này cùng các anh chị. Cũng mong mỏi một lần vào thành phố biển để được dạo chơi, ngắm biển chứ không phải suốt ngày tất bật trong bộ đồ bảo hộ kín mít thế này”.

PGS-TS Phạm Thế Hiền, Giám đốc Bệnh viện dã chiến, chia sẻ, chúng tôi xin nhớ mãi những công sức đóng góp của các lực lượng cùng chung “chiến hào chống giặc Covid-19” nơi đây, đặc biệt là tinh thần nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn của những đồng nghiệp đến từ tỉnh Thái Nguyên thương mến. Chúng tôi và các bệnh nhân xin được tri ân sự nhiệt thành của các đồng nghiệp tình nguyện vào chiến đấu ở những nơi gian khổ, hiểm nguy nhất. Mong ngày toàn thắng với “giặc” Covid-19 để được mời các đồng nghiệp vào du lịch thành phố biển đúng nghĩa.

Tin cùng chuyên mục