Bình Dương dịch chuyển công nghiệp lên phía Bắc tỉnh

Tỉnh Bình Dương có 9 huyện, thị, thành phố thì 3 địa bàn phía Bắc gồm thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên được thành lập sau nhưng đang có bước phát triển đột phá.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM, đoạn qua thị xã Bến Cát đã được xác định mở thêm cơ hội phát triển cho tỉnh Bình Dương
Hướng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM, đoạn qua thị xã Bến Cát đã được xác định mở thêm cơ hội phát triển cho tỉnh Bình Dương

Trong kế hoạch chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, bền vững và di dời các khu công nghiệp (KCN) lên khu vực phía Bắc, tỉnh Bình Dương đang hình thành nên các KCN thế hệ mới, từng bước hoàn thiện hạ tầng hiện đại. Trong đó, tỉnh đã mời gọi được tập đoàn Lego (Đan Mạch) xây dựng nhà máy mới trị giá 1 tỷ USD tại KCN VSIP 3 (huyện Bắc Tân Uyên), mở đầu cho làn sóng đầu tư mới ít thâm dụng lao động, đất đai. Thị xã Bến Cát đã có bước tiến dài, khi ngày 19-3-2024 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thành phố, trở thành đô thị thứ 5 trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là kết quả của sự phát triển năng động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần các ngành sản xuất nông nghiệp, giúp tăng thu ngân sách và thu nhập bình quân của người dân. Thị xã hiện có 8 KCN, giải quyết việc làm cho khoảng 180.000 lao động. Trong năm 2023, thị xã đã thu hút được 100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn gần 600 triệu USD, góp phần vào hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách, với tổng thu hơn 1.100 tỷ đồng (đạt 112% kế hoạch).

Đồng chí Bùi Minh Thạnh, Bí thư Thị ủy Bến Cát, cho biết thêm, thị xã vừa đề xuất UBND tỉnh Bình Dương danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn đi qua thị xã Bến Cát với chiều dài tuyến khoảng 20,5km và tuyến đường dọc hai bên sông Thị Tính với chiều dài tuyến khoảng 30,5km nhằm khai thác phát triển cảnh quan tự nhiên và tiềm lực về dịch vụ, du lịch đường sông.

Tại huyện Bàu Bàng, 2 KCN với tổng diện tích hơn 2.500ha đã cơ bản lấp đầy và tiếp tục đầu tư mở rộng trên nền tảng hạ tầng đầu tư hoàn thiện. Huyện thu hút được 816 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 29.736 tỷ đồng và 184 dự án FDI với vốn đầu tư 3,6 tỷ USD. Huyện đang phối hợp triển khai xây dựng KCN công nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh, kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi các KCN hiện tại thành các KCN thông minh, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại.

Trong xu hướng dịch chuyển công nghiệp lên phía Bắc tỉnh, Bình Dương đã và đang tập trung đầu tư hệ thống giao thông, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các vùng, khu vực phía Bắc để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Ngoài các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 13, Mỹ Phước - Bàu Bàng, ĐT750, ĐT749A, ĐT749C, Đ741B, các tuyến tạo lực, vành đai đang được đẩy nhanh tiến độ như: Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Vành đai 4 TPHCM. Việc đầu tư, đưa vào sử dụng các tuyến đường giao thông mới đã giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng, điển hình là tuyến Mỹ Phước - Bàu Bàng (dài 41,5km), đã giúp các doanh nghiệp giảm khoảng 30% thời gian tới các cảng trong khu vực Đông Nam bộ, qua đó, các chi phí logistics cũng giảm đáng kể, tạo thêm sức hấp dẫn thu hút đầu tư chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục