Bình Dương: Lập lại trật tự xây dựng đô thị

Với quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, tỉnh Bình Dương đang đối mặt thách thức khi nhu cầu xây dựng của người dân luôn ở mức cao, nhất là ở các thành phố: Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra khá phổ biến.
Một khu nhà trọ phục vụ nhu cầu công nhân và người lao động ở phường Tân Phước Khánh, TP Tân Uyên
Một khu nhà trọ phục vụ nhu cầu công nhân và người lao động ở phường Tân Phước Khánh, TP Tân Uyên

Tuy nhiên, việc lập lại trật tự xây dựng đô thị cần đảm bảo hài hòa giữa pháp luật với lợi ích chính đáng của người dân.

Chuyển biến tích cực

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1-3-2019 về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt (Chỉ thị 05), UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc triển khai thực hiện, trong đó yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; triển khai lập chương trình phát triển đô thị cấp tỉnh.

Tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ và chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương để lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm về công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm về quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn…

Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị TP Thuận An, trong quý 1-2023 đã phát hiện 20 trường hợp xây dựng không phép, sai phép (giảm hơn 30% so với vùng kỳ), tham mưu xử lý vi phạm với số tiền hơn 460 triệu đồng, buộc tháo dỡ nhiều trường hợp. Tại TP Thủ Dầu Một, trong quý 1-2023, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự đô thị với 2.983 vụ, tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng; riêng vi phạm trật tự xây dựng là hơn 780 triệu đồng.

Trên các địa bàn khác như thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng cũng được phát hiện và xử lý nghiêm. Điển hình như việc yêu cầu tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, vi phạm trật tự hành lang an toàn lòng hồ Dầu Tiếng, được phát hiện từ giữa tháng 11-2022, hiện đã xử lý triệt để.

Xem xét từng trường hợp

Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều công trình trái phép của các chủ đầu tư cố tình làm sai như xây nhà ở, công trình nhà xưởng cho thuê trên đất nông nghiệp thì cũng cần quan tâm đến công trình nhà ở cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin quy hoạch, đã dồn hết tài sản tích cóp và vay mượn thêm để xây dựng, mong ổn định cuộc sống. Cơ quan chức năng không khó nhận ra đâu là công trình của doanh nghiệp gom đất, cất nhà “lụi” với đặc điểm chung là cùng lúc xây nhiều căn, xây nhanh gọn để tránh bị phản ánh; trong khi người dân thường làm nhỏ lẻ.

Điển hình như tại TP Tân Uyên, nơi tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra phổ biến từ nhiều năm qua, ngành chức năng vừa triển khai việc cưỡng chế tháo dỡ đối với 12 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của ông T.T.V. tại khu phố Khánh Long, phường Tân Phước Khánh, với tổng diện tích vi phạm gần 700m2. Trong quý 1-2023, lực lượng chức năng TP Tân Uyên đã kiểm tra, phát hiện 18 công trình sai phép, tham mưu xử phạt hơn 400 triệu đồng.

Trong khi đó, tại TP Dĩ An, để xử lý các khu dân cư (KDC) tự phát, không phù hợp với quy hoạch, ngày 23-12-2014, Thị ủy đã ban hành Nghị quyết 35-NQ/TU về việc thực hiện chỉnh trang các khu này, tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân. Sau đó, UBND thị xã tiếp tục ban hành Kế hoạch 803/KH-UBND ngày 24-3-2015, yêu cầu UBND các phường và ngành chức năng tập trung chỉnh trang các KDC tự phát phù hợp với quy hoạch để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại đây.

Nhờ sự nỗ lực chung và sự đồng thuận của người dân, đến nay TP Dĩ An đã chỉnh trang được 24/342 KDC tự phát. Mặc dù còn một số vướng mắc về thủ tục trong quá trình thực hiện, nhưng với cách làm trên, TP Dĩ An trở thành địa bàn đầu tiên trong tỉnh từng bước chuẩn hóa các KDC tự phát, được người dân hưởng ứng và đồng tình.

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là do nhận thức pháp luật về xây dựng, đất đai của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng buông lỏng quản lý diễn ra trong thời gian dài nên có tình trạng công trình xây dựng trái phép đã tồn tại nhiều năm nhưng không bị xử lý, trong khi công trình nhà trong hẻm có giấy phép, chỉ vì xây lố mà bị chính quyền ra lệnh cưỡng chế.

Vì vậy, từ kinh nghiệm của TP Dĩ An cho thấy, trong quá trình lập lại trật tự xây dựng đô thị, cần xem xét từng trường hợp cụ thể để đảm bảo hài hòa giữa pháp luật về đất đai, mỹ quan đô thị với quyền lợi chính đáng của người dân nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.

Tin cùng chuyên mục