Bộ NN-PTNT kêu gọi cùng chung tay đồng loạt giảm giá thịt heo

Cho rằng giá thịt heo hiện nay vẫn cao là do các trang trại, gia trại, hộ nuôi... vẫn đang bán giá heo hơi tới 73.000-78.000 đồng/kg (dù 15 tập đoàn đã giảm giá còn 70.000 đồng), chiều 8-4, Bộ NN-PTNT ra công văn kêu gọi cùng chung tay đồng loạt giảm giá thịt heo. 

Mặc dù 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã có cam kết giảm giá thịt heo tại cửa chuồng xuống còn 70.000 đồng/kg kể từ 1-4 nhưng tại các chợ, siêu thị ở miền Nam và miền Bắc, giá thịt heo xẻ (móc hàm) vẫn còn quá cao. Giá thịt vẫn là 160.000 đến 180.000 đồng/kg, thậm chí có nơi trên 200.000 đồng/kg. Điều này khiến người tiêu dùng bức xúc.

Giá thịt heo vẫn quá cao, người tiêu dùng bức xúc. Ảnh: VĂN PHÚC

Thực tế, theo Bộ NN-PTNT thông tin chiều 8-4, lượng thịt heo nhập khẩu về Việt Nam tính đến ngày 7-4 là hơn 43.553 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu từ Canada 24,62%, Đức 19,95%, Ba Lan 13,86%, Brazil 9,63%, Hoa Kỳ 8,08%, Tây Ban Nha 6,43%, LB Nga (1.665 tấn) 3,82%... 

Nhưng theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trong bối cảnh dịch Covid-19, các nước tăng cường kiểm soát xuất khẩu thực phẩm vì nhu cầu nội địa tăng cao, không dễ để tìm nguồn cung. Vì vậy, lượng thịt nhập khẩu là không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại nước ta, mà cơ bản vẫn phải dựa vào nguồn heo chăn nuôi trong nước và đề nghị khẩn trương tái đàn, phục hồi chăn nuôi. Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện đã có tới 99% số xã đủ điều kiện công bố hết dịch tả heo châu Phi, có thể tái đàn. 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT thì với giá heo bán tại cửa trại là 70.000 đồng/kg, lẽ ra giá đến tay chủ các lò mổ, cơ sở chế biến chỉ khoảng 75.000-80.000 đồng/kg và giá thịt móc hàm (thịt xẻ) đến tay người tiêu dùng chỉ khoảng 100.000-110.000 đồng/kg. Nhưng giá bán thực tế tới tay người nội trợ từ 150.000-180.000 đồng/kg, rõ ràng là không thể chấp nhận.

“Tôi cho rằng, mức giá tăng khoảng 25% là có thể chấp nhận được. Thịt ngon bán tới tay người tiêu dùng tầm 160.000 đồng/kg, còn bình thường 140.000-145.000 đồng/kg thịt là vừa phải. Còn nếu bán 180.000 đến trên 200.000 đồng/kg là quá cao”, ông Nguyễn Xuân Dương nói. 

Nghịch lý hiện nay là heo hơi bán tại các cửa trại của 15 doanh nghiệp lớn là 70.000 đồng/kg như cam kết, nhưng giá heo hơi bán ngoài thị trường vẫn là 75.000-82.000 đồng/kg. Nhiều thương lái cho biết, nguồn heo bán ra từ các doanh nghiệp ít nên phải tăng cường thu gom trong các trại nhỏ lẻ của người dân với giá cao. 

Theo Bộ NN-PTNT, tổng số lượng heo thịt xuất chuồng của 15 doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm 35-40%; còn lại do các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi của các địa phương cung cấp ra thị trường với giá dao động từ 73.000 - 78.000 đồng/kg heo hơi, làm ảnh hưởng chung đến giá bán heo thịt và thịt heo.

Do đó, để giảm giá thịt heo xuống, theo Bộ NN-PTNT, chỉ riêng 15 doanh nghiệp lớn vẫn không đủ mà đòi hỏi các trang trại, hộ nuôi phải cùng giảm giá. 

Nhằm tổ chức kiểm soát giá bán thịt heo, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, chiều 8-4, Bộ NN-PTNT đã ra Công văn số 2456 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức rà soát, kiểm soát giá bán heo thịt và thịt heo; đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi heo tại các địa phương cùng với 15 doanh nghiệp đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg heo hơi; tiến tới giảm xuống 65.000 đồng đến 60.000 đồng/kg và thấp hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thay mặt Bộ NN-PTNT ký công văn kêu gọi những người nuôi heo đồng loạt giảm giá 

Công văn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký cũng đề nghị tổ chức rà soát các địa phương đã hết dịch tả heo châu Phi để tổ chức công bố hết dịch theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi và mặt bằng đất đai để người chăn nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tái đàn, tăng đàn heo đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. 

Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi, tái đàn, tăng đàn heo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tránh tình trạng găm heo, đẩy giá tăng cao quá mức; bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng. Đồng thời tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế như thịt gia súc khác, thịt gia cầm, trứng và thủy hải sản.

Bộ NN-PTNT cũng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt heo; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo từ Hoa Kỳ. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì dịch tả heo châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất; có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Tin cùng chuyên mục