Bỏ phố, chọn rau

Tốt nghiệp cử nhân các trường có tiếng tại TPHCM, có việc làm ổn định sau khi ra trường nhưng Phạm Thế Tư (sinh năm 1991) - Đại học Bách khoa TPHCM và Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1992) - Trường Đại học KHXH-NV TPHCM lại chọn về Củ Chi thuê đất làm nông nghiệp với ước mơ giản dị: đem rau sạch đến với bữa ăn của nhiều người.
Bỏ phố, chọn rau

Tốt nghiệp cử nhân các trường có tiếng tại TPHCM, có việc làm ổn định sau khi ra trường nhưng Phạm Thế Tư (sinh năm 1991) - Đại học Bách khoa TPHCM và Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1992) - Trường Đại học KHXH-NV TPHCM lại chọn về Củ Chi thuê đất làm nông nghiệp với ước mơ giản dị: đem rau sạch đến với bữa ăn của nhiều người.

Không ngại khó

“Từ hồi còn nhỏ, hàng ngày ngoài việc học, tôi phụ giúp bố mẹ ra chợ đầu mối lấy rau về nhà bán. Rau luôn bị người ta ngâm thuốc cho tươi lâu trước khi giao cho các tiểu thương. Thấy ba mẹ cả ngày tiếp xúc với các loại rau đó, lắm lúc tôi thấy vùng da nơi bàn tay bố mẹ cũng bị hư, nhăn nheo vì dính nhớt thuốc… Chính nhà mình cũng sợ rau, chỉ dám bán chứ không dám ăn, lòng tôi luôn nặng trĩu. Tôi cứ tự hỏi tại sao người ta phải làm rau kiểu như thế khi chính người tiêu dùng là bà con, là người dân mình”, Tư luôn trăn trở về rau xanh như vậy.

Phạm Thế Tư chăm chỉ trên ruộng rau của mình

Cho nên đến sau này, khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật máy tính của Đại học Bách khoa TPHCM, dễ dàng có một công việc ổn định nhưng Tư vẫn từ bỏ công việc ngồi phòng máy lạnh để lựa chọn con đường trồng rau sạch. Tư chia sẻ: “Những ngày làm việc ở công ty cũ, suốt ngày cắm mặt vào máy tính, tôi đã nhiều lần tự hỏi bản thân mình có phù hợp với công việc này hay không? Làm sao để ứng dụng những gì mình học một cách có ích nhất? Con đường nào mới phù hợp với mình? Và ý tưởng trồng rau sạch lóe lên”.

Nghĩ là làm, Tư quyết định nghỉ việc và rủ Đào - cô bạn gái quyết tâm về vùng ven ngoại ô tìm đất thuê để trồng rau với số vốn ít ỏi. Lúc đầu, chia sẻ ý tưởng trồng rau, Tư và bạn gái cũng được một số bạn bè hứa góp vốn cùng làm nhưng rồi nhiều người dừng lại khi thấy ruộng đất khô cằn và tính khả thi của dự án rau xanh có vẻ không cao. Nhưng hai bạn trẻ vẫn quyết tâm thuê đất để làm dù tiền bạc luôn thiếu trước, hụt sau. “Ba mẹ nghe tôi chia sẻ chuyện không sử dụng bằng đại học, từ bỏ những công việc nhàn hạ phòng máy lạnh của trung tâm thành phố để về Củ Chi, ít nhiều không ủng hộ. Tuy nhiên, sau những thuyết phục và sẻ chia của tôi về quyết định này, ba mẹ cũng hiểu được con gái và con đường tôi chọn…”, Đào trải lòng.

Đôi bạn trẻ tìm về ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, thuê khoảng 3.000m2 đất với mức phí 15 triệu đồng/năm và bắt đầu hành trình giăng lưới canh tác, gieo hạt trồng các loại thông dụng như rau muống, cải, dền, mồng tơi, đậu bắp... Dốc hết tiền bạc, mượn bạn bè khắp nơi, một phần gia đình hỗ trợ, đôi bạn trẻ có được gần 100 triệu đồng và đầu tư vào hệ thống tưới tiêu, giếng khoan, chiếc máy cày mini, lưới giăng, hạt giống... Bỏ lại sau lưng phố thị, giờ đây giữa ruộng rau rộng rãi, đôi bạn trẻ không ngại thử thách xắn tay áo, xắn gấu quần hì hục cuốc đất, đánh luống, gieo hạt, nhổ cỏ, bắt sâu… Không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc đánh trắng rau, không dùng thuốc làm mềm rau...”, là những gì đôi bạn trẻ cam kết với khách hàng của mình trên trang Facebook Ước mơ rau xanh của họ.

Rau của Tư - Đào được bán với giá khá hợp lý, từ 12.000 - 14.000 đồng cho nửa ký rau bình thường; 18.000 - 20.000 đồng cho các loại rau cao cấp. Tư cũng rất chịu khó “ship” rau cho khách ở trung tâm thành phố. Theo thời gian, những khó khăn ban đầu dần qua, vườn rau Tư - Đào được nhiều người biết đến. Tư cho biết: “Khách của mình ở các quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh… khá đông. Mỗi khi khách gọi điện giao hàng, dù ít, mình cũng cố gắng chạy từ Củ Chi giao rau lên trung tâm cho khách. Vì mình còn rất mới nên phải chịu khó đi. Đôi khi có lỗ chút tiền xăng, đường sá xa xôi cũng phải chấp nhận. Bây giờ quen rồi, có nhiều khách rất tin tưởng và đặt rau đều đều”.

Tình yêu giữa vườn rau

Hai bạn trẻ Tư - Đào đã khởi đầu ước mơ lập nghiệp như thế, giản dị nhưng đầy quyết tâm, ý nghĩa. Và câu chuyện tình yêu của họ cũng là một câu chuyện vô cùng dễ thương, bởi bây giờ hiếm ai còn dám tin vào “một túp lều tranh, hai quả tim vàng” giữa biết bao lo toan cơm áo, gạo tiền. Ấy vậy mà, ngay cạnh mảnh vườn xanh mướt đó, Tư và Đào đang sống cùng thiên nhiên trong một túp lều tranh thật sự. Vì cảm động trước tình yêu của đôi bạn trẻ, bạn bè thời đại học của Tư đã cùng nhau dựng mái nhà tranh cho đôi bạn. Căn nhà rộng chừng 12m2, vách và trần nhà được lợp lá dừa nước. Và bây giờ, qua nhiều vụ mùa rau xanh, phơi mình cùng mưa nắng, dẫu Đào có đen sạm hơn nhiều so với thời sinh viên thì Tư vẫn thương Đào như trước. “Em tính khi vườn rau ổn định hơn chút, hai đứa qua giai đoạn vất vả sẽ cưới Đào làm vợ…”, Tư cho biết.

Tư và Đào khởi nghiệp trồng rau trong khi không hề có chuyên môn, kinh nghiệm nông nghiệp gần như là con số không. Tư đã không ngừng học hỏi các kỹ thuật trồng rau từ sách vở, học từ những hộ nông dân xung quanh và thậm chí tìm đến nhiều nơi để hỏi cách diệt sâu rầy mà không dùng thuốc trừ sâu. Thách thức sâu bệnh trên vườn rau từ các loại rầy nâu, rầy đen, rầy mềm, bướm, bọ nhảy, sâu xanh da láng... khiến Tư và Đào không ngừng lo lắng. Với mỗi loại sâu bệnh, hai bạn mày mò tìm những phương pháp, hoặc dùng thiên địch tự nhiên… để đuổi chúng đi chứ nhất quyết không sử dụng phân bón hóa học.

Trong những sẻ chia về câu chuyện khởi nghiệp, trong ánh mắt của hai bạn trẻ vẫn cháy bỏng giấc mơ mang rau sạch đến từng bữa cơm của các gia đình. Sản phẩm của họ đã đến với bàn ăn của nhiều gia đình ở TPHCM với niềm tin tuyệt đối - rau không phân bón hóa học, không thuốc kích thích, không dùng phân không dùng thuốc đánh trắng rau…

VÕ THẮM

Tin cùng chuyên mục