Bổ sung dự án sửa đổi Luật Căn cước công dân và Luật Các tổ chức tín dụng vào chương trình năm 2023

Thường trực Ủy ban Pháp luật và các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi hai luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Ngày 10-3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp mở rộng thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ đòi hỏi của thực tế, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6. Chính phủ đã giao Bộ Công an lập đề nghị xây dựng dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), giao Ngân hàng Nhà nước lập đề nghị xây dựng dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ xem xét, thông qua tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12-2022.

Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách. Theo đó, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân, qua đó đưa thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân. Bổ sung thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước. Hoàn thiện quy định và quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử…

Với việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Chính phủ đề xuất các chính sách: hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân; hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; quy định về xử lý nợ xấu; quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi 2 luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát bảo đảm tính toàn diện của báo cáo đánh giá tác động, báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan… trong quá trình xây dựng dự án luật.

Tin cùng chuyên mục