Chiều 26-11, Quốc hội đã thông qua các dự án: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
Chưa lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước
Điểm đáng chú ý trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh này là về mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), việc thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sẽ tạo được đột phá, bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu theo hướng thành lập một cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình phù hợp, khả thi trong thời gian tới.
Tăng thuế suất với thuốc lá
Điểm đáng chú ý với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là đối với bia từ ngày 1-1-2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1-1-2017 tăng lên 60%; từ ngày 1-1-2018 tăng lên 65%. Đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1-1-2016, thuế suất 60% từ ngày 1-1-2017 và 65% từ ngày 1-1-2018. Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1-1-2016 và 35% từ ngày 1-1-2018.
Không khống chế trần quảng cáo, tiếp thị
Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại để tính thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không còn bị khống chế. Lý do là các doanh nghiệp cần phải tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường nên việc giới hạn chi phí quảng cáo đã hạn chế doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều không khống chế chi phí quảng cáo. Cùng với đó, cơ quan lập pháp cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý chặt chẽ trong việc hạch toán chi phí quảng cáo, tránh việc lợi dụng cơ chế thông thoáng để gian lận, trốn thuế; rà soát lại các quy định tại Luật Thương mại, Luật Giá để có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các khoản chi hoa hồng, khuyến mại, nhất là các khoản chi hoa hồng trong lĩnh vực y tế, xuất bản và phát hành sách giáo khoa...
| |
NGỌC QUANG