Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Chống gian lận thi cử phải có trách nhiệm!

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Chống gian lận thi cử phải có trách nhiệm!

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sắp diễn ra, tiếp đó là kỳ thi ĐH-CĐ 2013. Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép học sinh mang các loại máy ghi âm và ghi hình (có chức năng ghi thông tin nhưng không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác) vào phòng thi để có thể tố cáo gian lận thi cử. Đây là động thái được nhận xét là mới. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đang khiến dư luận cho rằng bộ không muốn công bố rộng rãi thông tin tiêu cực. Ngày 21-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chia sẻ về vấn đề này với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

- Phóng viên: Bộ vừa ký văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành đề nghị chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013, trong đó nói rõ Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... Nhiều ý kiến cho rằng như thế là vi phạm quy định hoạt động báo chí?

>> Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Chúng tôi chỉ nhằm đến việc bảo đảm tính xác thực trong thông tin. Ví dụ khi có tin đồn lộ đề thi chẳng hạn, thay vì đăng tin ngay thì báo chí nên trao đổi với cơ quan chức năng để tìm hiểu tính xác thực trước khi đăng tải; còn nếu báo chí thấy tin đó chính xác rồi thì cứ đăng.

Vì thế, công điện của chúng tôi đề nghị các tỉnh chỉ đạo báo chí trao đổi làm rõ những thông tin tiêu cực trước khi đăng, chứ không phải cấm báo chí đăng tin. Ngành giáo dục còn cho phép thí sinh mang phương tiện ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phản ánh tiêu cực, dù giải pháp này không được các hội đồng coi thi đồng tình nhưng bộ vẫn quyết tâm làm. Nhân đây tôi cũng đề nghị nếu có thông tin tiêu cực mà báo chí phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng không được tiếp nhận thì báo chí cần đăng tải tiếp để cơ quan chức năng cấp trên vào cuộc. Mong muốn của chúng tôi là tạo nên một sức ép để cả xã hội vào cuộc chống gian lận thi cử.

- Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 04 được cho là đi ngược với Luật Tố cáo khi quy định người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất cứ hình thức nào. Sau đó bộ đã phải “sửa sai”. Giờ đến việc đề nghị Chủ tịch tỉnh chỉ đạo báo chí khi đưa tin tiêu cực. Dư luận cho rằng Bộ GD-ĐT không muốn để lộ thông tin tiêu cực?

Chuyện Thông tư 04 chúng tôi đã sửa rồi. Tôi nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT không bao che sai phạm, kể cả trong cơ quan bộ, ai tiếp nhận thông tin tiêu cực mà bỏ đấy sẽ bị xử lý. Nhưng vẫn phải bảo đảm chống tiêu cực có trách nhiệm, có chất lượng, không ảnh hưởng đến học sinh, còn chúng ta không bị ảnh hưởng bởi thông tin của những người hoặc vô tình, hoặc cố tình đưa những thông tin bất lợi. Tôi cho rằng vấn đề này không sai với tinh thần phòng chống tiêu cực chung. Cần hạn chế tình trạng báo chí, nhất là các báo mạng có thông tin là đưa lên mà không cần biết đúng sai, sau đó lại đưa tin lại; nếu không đúng, hậu quả đối với học sinh là rất lớn.

- Phải chăng ngành giáo dục không muốn hợp tác với báo chí trong việc chống tiêu cực thi cử?

Tôi đã từng nói với anh em trong ngành đến thời điểm này, hầu hết những thông tin tiêu cực trong ngành giáo dục phát hiện được đều nhờ báo chí, còn cơ quan của bộ chưa hề đưa cho bộ trưởng thông tin nào cả. Vì vậy, không có lý do nào để ngành giáo dục không hợp tác với báo chí trong việc phản ánh tiêu cực. Chỉ có điều chúng ta cân nhắc đưa thông tin tiêu cực hợp lý nhất, ít tác động đến học sinh nhất. Chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh những thông tin phản ánh tiêu cực cử, ví dụ như vụ Đồi Ngô năm ngoái, báo chí có thông tin xác thực là cứ đăng tin.

- Năm 2013 này là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện cho phép đưa thiết bị ghi hình ghi tiếng vào phòng thi để chống tiêu cực. Bộ trưởng đánh giá tác động của việc này  như thế nào?

Sẽ có  tác động rất lớn. Trước hết là về mặt tâm lý. Từ trước đến nay, khi triển khai quy chế thi cử, chúng ta đều đưa ra giả thiết là giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện tốt. Nhưng thực tế đã có cả giáo viên, cán bộ quản lý đều vi phạm quy chế thi cử, thậm chí cả Ban chỉ đạo thi cũng vi phạm. Quy chế hiện nay chưa có giải pháp để giám sát điều đó, mới chỉ dừng ở việc cách ly vòng trong, vòng ngoài ở khu vực thi. Còn giám sát ở các phòng thi chưa có. Với giải pháp này, ngành giáo dục sử dụng các em như là một trong chủ thể để phòng chống gian lận thi cử, các cán bộ làm công tác thi cử sẽ luôn cảm thấy có một “camera” vô hình, giám sát mình. Đây cũng là cách để ngành giáo dục biểu dương những học sinh có tinh thần đấu tranh chống tiêu cực.

Tôi nhận định rằng hiệu quả của giải pháp này có thể không thể hiện ở con số phát hiện bao nhiêu vụ việc tiêu cực, mà ở giá trị giám sát vô hình, ít nhất các giám thị sẽ không dám nói chuyện riêng trong khi làm công tác coi thi.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục