Ngày 22-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ GTVT.
Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương.
Ngày 21-10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã tín nhiệm phê chuẩn hai thành viên Chính phủ cho nhiệm kỳ 2021-2026 là đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021 – 2026; đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngay sau đó, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1198/2022/QĐ-CTN ngày 21-10-2022 bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Quyết định số 1199/2022/QĐ-CTN ngày 21-10-2022 bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Tại buổi lễ ngày 22-10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố các quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước; Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tặng hoa chúc mừng hai Bộ trưởng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng đồng chí Đào Hồng Lan và đồng chí Nguyễn Văn Thắng đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó các trọng trách với nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh hiện nay.
Trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 2 năm phòng chống dịch, đất nước ta đang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục kiểm soát dịch bệnh với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, thách thức. Còn GTVT là lĩnh vực nhận được đầu tư nhiều nhất trong nhiệm kỳ này để thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải.
Thủ tướng cho rằng, đảm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT là vinh dự lớn, đồng thời cũng là thách thức không hề nhỏ.
Thủ tướng tin tưởng các đồng chí Đào Hồng Lan và Nguyễn Văn Thắng sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn đoàn kết cùng các thành viên Chính phủ, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, cùng tập thể lãnh đạo và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế, giao thông đoàn kết, thống nhất, "vững tay chèo"; phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực khắc phục những hạn chế, tồn tại, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung vào một số nhiệm vụ như khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; xây dựng và hoàn thiện thể chế; kiện toàn tổ chức, bộ máy và các công việc khác để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.
Bộ trưởng Bộ GTVT ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, trước mắt cần tập trung cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả do 2 cơn bão và đợt mưa lũ vừa qua gây ra với hệ thống hạ tầng giao thông, giải quyết một số vấn đề tồn đọng kéo dài của ngành.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngành sẽ tập trung bảo vệ thành quả phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm và khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài chính, cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế; động viên đội ngũ cán bộ ngành y tế thực hiện các nhiệm vụ được giao, chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân…
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin thời gian tới, ngành sẽ tập trung khắc phục, sửa chữa các công trình bị ảnh hưởng bởi thiên tai thời gian qua; triển khai hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông thuộc trách nhiệm của bộ, các dự án quan trọng quốc gia, phấn đấu hoàn thành các tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía đông, giai đoạn 1 sân bay Long Thành; phối hợp với các địa phương thực hiện hiệu quả các tuyến cao tốc trong chương trình phục hồi và phát triển; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án BOT; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa (đầu tư theo hình thức PPP); nghiên cứu, trình chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt mới; tiếp tục tiến hành tái cơ cấu tổng thể và nâng cao chất lượng ngành giao thông vận tải; chú trọng công tác bảo đảm an toàn giao thông…