Báo cáo chuẩn bị trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - dự kiến diễn ra ngày 10-8 - vừa được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm gửi đến Quốc hội.
Người đứng đầu ngành công an cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đã phát hiện 311 vụ đánh bạc trên không gian mạng, chiếm 10,08% tổng số vụ đánh bạc trái phép...
Bên cạnh đó, xuất hiện một số băng nhóm do đối tượng là người nước ngoài cầm đầu tổ chức tấn công vào hệ thống ngân hàng; sử dụng các thiết bị giả trạm thu phát sóng di động (BTS) nhắn tin để đánh cắp thông tin, lừa đảo; tổ chức lôi kéo người Việt Nam sang các nước để lập các đường dây, ổ nhóm phạm tội sử dụng công nghệ cao vào trong nước, tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan công an Việt Nam.
“Nhiều hình thức quảng cáo đánh bạc trực tuyến trên không gian mạng bằng tiếng Việt diễn ra công khai nhằm lôi kéo người chơi với nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi”, Bộ trưởng Bộ Công an bày tỏ lo ngại.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, các cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt phá các vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc với thủ đoạn mới, như các trang web đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài được đối tượng trong nước câu kết với các nhà cái ở nước ngoài tổ chức “phát mạng” về Việt Nam, lập ra các đại lý phân cấp từ cao xuống thấp và chia tiếp thành nhiều nhánh cho người chơi theo mô hình đa cấp, khi bị phát hiện, các đối tượng cấp trên lập tức khóa mạng, xoá dữ liệu trong tài khoản cá cược; việc trao đổi, bàn bạc chủ yếu thông qua điện thoại thường xuyên đổi số, sử dụng sim rác, hoặc qua mạng xã hội và các ứng dụng, phần mềm gọi, nhắn tin trên nền tảng di động có tính bảo mật cao; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sử dụng địa chỉ giao thức của internet (IP) ảo, liên tục thay đổi mật khẩu tài khoản đánh bạc… Những thủ đoạn này đã gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, mặc dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước.
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Chẳng hạn như, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện: hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định, giải thích hướng dẫn cụ thể về hành vi đánh bạc khi áp dụng Điều 321, 322 Bộ luật Hình sự. Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi; Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng chưa quy định cụ thể về việc lưu trữ thông tin khách hàng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, đặc biệt đối với các dịch vụ IP 3G, 4G, 5G, IP NAT.
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, ngân hàng thường chậm trễ trong việc thực hiện các yêu cầu tra cứu, xác minh địa chỉ IP, cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng công an...
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung tham mưu với Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng; chủ động tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia, các tiểu ban tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Bộ cũng sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, ngân hàng thương mại trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google...).
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát, tòa án cùng cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, lưu động một số vụ điển hình, dư luận quan tâm để răn đe, phòng ngừa chung.