
Body painting xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000, thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ. Đến nay, loại hình nghệ thuật này vẫn còn loay hoay giữa ranh giới nghệ thuật hay khoe thân.
Cũ người mới ta
Body painting (BP) là hình thức hội họa vẽ trực tiếp lên chính cơ thể con người. Gọi là BP nhưng việc vẽ có thể chỉ một phần ở mặt, vai, lưng hay tay… và người mẫu cho BP không cần chuyên nghiệp, có thể xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau. Một tạo hình BP được tạo ra khá vất vả và mất khá nhiều thời gian. Người vẽ và người làm mẫu phải làm việc liên tục không ngơi nghỉ để hoàn tất tác phẩm trong suốt 5 - 6 giờ. Sau khi hoàn tất các công đoạn, người mẫu như khoác lên người bộ quần áo nhiều màu sắc, mang một diện mạo hoàn toàn mới. “Ngoài ra cũng cần phối hợp nhiều kỹ năng, ngoài vẽ màu sắc lên cơ thể người mẫu thì BP còn phối hợp cả làm tóc, trang điểm, nhiếp ảnh và hậu kỳ đồ họa photoshop để cho ra sản phẩm sau cùng, đó chính là những bức ảnh BP hoàn hảo. Một tác phẩm BP chỉ tồn tại trên cơ thể người mẫu đẹp nhất trong khoảng thời gian từ 2- 3 giờ, nên BP gắn liền với nhiếp ảnh thì mới tạo nên giá trị thưởng lãm lâu dài”, họa sĩ Huỳnh Thanh Trung (Mực Tàu) chia sẻ.
Ở các nước phương Tây, hình thức hội họa này phát triển mạnh và có nhiều tác phẩm nghệ thuật được đông đảo công chúng đón nhận nhiệt tình. World Body Painting Festival được tổ chức định kỳ trên thế giới đã thu hút hàng ngàn người tham dự với nhiều tạo hình độc đáo và được thực hiện trên cơ thể người mẫu nữ lẫn nam.
Tuy nhiên ở Việt Nam, những năm gần đây BP được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt thu hút các họa sĩ trẻ cũng như người mẫu trẻ. Các ứng dụng của môn nghệ thuật này vào đời sống vẫn còn hạn chế, chủ yếu là lĩnh vực quảng cáo sản phẩm, quảng bá game online, sáng tác ảnh nghệ thuật… Hình thức BP phổ biến thường là vẽ các nhân tượng để tạo sự thu hút trong các buổi sự kiện. Nhân tượng thường được phủ một lớp sơn màu lên cơ thể và trang phục. Gần đây, để gây chú ý hơn, các nhân tượng bắt đầu được vẽ thêm họa tiết lên người để tạo hình những nhân vật khác nhau. Nhiều dự án quảng cáo hay các show diễn thời trang gần đây bắt đầu sử dụng BP để tạo những dấu ấn riêng và nổi bật hơn.
Nếu như trên thế giới, BP được thực hiện trên mẫu nữ lẫn mẫu nam và khỏa thân 100%, thì ở Việt Nam, khi thực hiện BP, nhiều người mẫu trẻ chọn mặc một lớp trang phục mỏng và bó sát cơ thể hoặc bikini.
Những rào cản vô hình
Có thể nói, hiện nay BP ở Việt Nam phát triển ở khía cạnh giải trí nhiều hơn là một môn nghệ thuật, như một cuộc dạo chơi của các họa sĩ trẻ mong muốn vượt khỏi những khuôn khổ của việc sáng tạo tác phẩm trên những chất liệu quen thuộc. Nhiều họa sĩ hiện nay cũng cùng chung ý kiến, đây là một loại hình khá mới ở Việt Nam và nhiều người vẫn có những cái nhìn không mấy thiện cảm với BP. Số lượng các họa sĩ theo đuổi nghệ thuật BP cũng khá hiếm hoi, một vài cái tên như: Ngô Lực, Huỳnh Thanh Trung (Mực Tàu), Miên Thảo, Trương Hữu Đăng Khoa, Phương Vũ Mạnh…
Việc trao đổi hay những buổi giao lưu về BP hiện nay diễn ra trong nội bộ những họa sĩ trẻ hay người mẫu yêu thích BP. Tác phẩm chủ yếu được lưu lại bằng hình ảnh và ít được quảng bá rộng rãi trong công chúng. Thực hiện một tác phẩm BP đòi hỏi nhiều yếu tố, như màu vẽ phải là các loại màu chuyên dụng đặt từ nước ngoài và có giá rất cao, khi vẽ không làm ảnh hưởng đến da của người mẫu, không bị gãy, đứt khi người mẫu cúi người. Vì vậy, các họa sĩ vẽ BP vì sự yêu thích sáng tạo, hay vẽ để trải nghiệm chứ không vì mục đích kinh tế.
Cùng chung những khó khăn đó, họa sĩ Mực Tàu cho rằng: “Sự hạn chế của BP ở Việt Nam là chưa có trường lớp dạy chính quy, công khai về môn nghệ thuật này. Người làm BP đa phần xuất thân từ nghề trang điểm, yêu thích BP rồi tự tìm tòi, học hỏi qua các đồng nghiệp, qua internet... rồi tự tập luyện và phát triển. Tác phẩm tạo ra chưa mang tính ứng dụng, thưởng lãm một cách phổ biến”. BP hiện nay cũng chưa được phép phổ biến công khai. Nhiều ý kiến không mấy thiện cảm về môn nghệ thuật này cũng là điều không tránh khỏi. “Chúng tôi đã rất cố gắng làm tốt những gì có thể. Còn có được công nhận là nghệ thuật hay chưa còn tùy ở góc nhìn của người thưởng lãm sau khi tác phẩm hoàn tất”, họa sĩ Mực Tàu cho biết thêm.
Việc vẽ trực tiếp lên cơ thể, là một rào cản lớn để BP có được sự đón nhận từ đông đảo công chúng. Bởi có không ít người, nhất là giới người mẫu trẻ, đã bất chấp tai tiếng, sử dụng nhiều chiêu trò mà điển hình nhất là việc khoe thân để nổi tiếng. Việc lợi dụng BP để khoe thân lại càng dễ dàng hơn, cũng chính điều này khiến cho lằn ranh giữa BP và “mốt” khoe thân càng trở nên nhập nhằng.