
1. Có nhiều lúc, thường là giữa hai kỳ bình luận bóng đá vào các ngày chủ nhật, tôi vẫn hay lẩn thẩn tự hỏi: Bóng đá có từ lúc nào và ai đã sản sinh ra nó? Người Anh bảo họ là quê hương của bóng đá. Người Trung Quốc khăng khăng chính họ mới là cha đẻ của quả bóng tròn. Gần đây nghe đâu người La Mã cũng nhảy vô đòi “bản quyền phát minh”. Hổng biết ai đúng ai sai, thôi thì tạm chấp nhận bóng đá do loài người sinh ra và người đó dứt khoát phải là đàn ông. (Loài khỉ vượn nếu có tranh chấp thì chỉ có thể kiện cáo về “bản quyền phát minh” môn... bóng ném!).

Bật Hiếu nhảy đạp vào mặt Correia. Ảnh: H.H.
Nói đàn ông sinh ra môn bóng đá chắc không ai tranh cãi. Vì hai cái chân của đàn ông con trai phải nói là hiếu động hết biết. Hồi nhỏ, trên đường đi học về, bao giờ tôi cũng khoái co chân sút vào một cái gì đó bắt gặp trên đường, thường là một vỏ bưởi hay một cục đất. Trẻ con thôn quê bây giờ vẫn thế. Trẻ con thành phố thì sút vào lon bia rỗng, vỏ đồ hộp. Nói chung, hễ thấy vật gì sút được thì tung chân sút, không thì ngứa ngáy kinh khủng.
Cục đất thì cứng, rủi sút nhằm cục đá càng cứng hơn, què giò như chơi. Chắc vậy nên các bậc tiền bối mới nghĩ cách chế ra vật gì mềm mềm, lúc đầu chắc là bằng lá cây hay vỏ cây, sau tết bằng vải, bằng da, tới thời hiện đại có thêm cao su. Rồi hình thù của nó nữa. Muốn cái vật đó văng xa, nó phải có hình tròn. Thế là quả bóng sơ khai ra đời, tôi đoán thế. Nhưng môn bóng đá chắc chắn không ra đời cùng lúc với quả bóng đá.
Tôi hình dung thế này: Thoạt đầu các tiền bối thi sút sao cho xa. Người sút quả bóng bay xa nhất là người chiến thắng. Nhưng có lẽ chơi kiểu này hoài cũng chán, các tiền bối mới nghĩ ra cách thi sút sao cho trúng một mục tiêu nào đó, một tảng đá hay một gốc cây chẳng hạn. Một thời gian dài, các tiền bối mới nhận ra trò chơi này quá đơn điệu. Thế là chia phe giành nhau quả bóng, hổng có gôn có lưới có thẻ phạt gì ráo. Mãi về sau mới thêm cái gôn, chắc giống cái gôn bọn nhóc tôi chơi hồi nhỏ: thủ môn đứng giữa hai đống áo quần hay vài cục đất. Và bổ sung quan trọng nhất: thủ môn được quyền chơi bằng tay trong một môn chỉ chơi bằng chân.
Như vậy, môn bóng đá được cải tiến từ từ qua thời gian, mỗi thời kỳ thêm thắt một ít, hoàn thiện dần để trở thành môn bóng đá được cả hành tinh thưởng thức như ngày nay.
2. Môn võ thuật giống môn bóng đá ở chỗ cũng chơi bằng tay và chân, có khi bằng đầu. Chỉ khác ở mục tiêu: cầu thủ đá, đánh đầu hoặc bắt, đập vào quả bóng, võ thuật cũng sử dụng những bộ phận đó nhưng là để tấn công vào người đối phương. Võ thuật cũng như bóng đá, bắt nguồn từ thời xa xưa, nhưng chắc chắn không phải để vui chơi giải trí mà để chiến đấu với kẻ thù. Mãi về sau này các môn võ mới được coi là những thành viên trong gia đình thể thao.
Như vậy, bóng đá khác với võ thuật. Khác xa. Nhưng trên sân cỏ, có không ít cầu thủ lúc nóng đầu lên lại nhầm môn này qua môn kia. Đó là lý do vì sao người viết bài này khi bình luận bóng đá cứ hay liên tưởng đến võ thuật. Cú đánh của Quốc Vượng (Pjico Sông Lam Nghệ An) vào mặt Cảnh Nam (Hòa Phát Hà Nội) hẳn là chiêu thức của karatedo, công phu cổ truyền Trung Hoa gọi là “thiết sa chưởng”. Bật Hiếu (Mitsura Hải Phòng) nhảy đạp vô mặt Correia (Hòa Phát Hà Nội) chắc nụi là dùng “song phi cước” kết hợp với công phu “thiên cân trụy” đã thất truyền trên giang hồ. Ngọc Thọ (Ngân hàng Đông Á. Thép Pomina) tung chưởng vô Tất Tài (Thể Công) hẳn đã sử dụng... chiêu thứ mười hai trong pho “Giáng long thập bát chưởng” của Bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công.
Trong ba “cầu thủ bóng đá” đột ngột chuyển thành “cao thủ võ lâm” này, hai người đã bị trọng tài rút lệnh phù màu đỏ, giang hồ truyền tụng là “xích sát lệnh”, đuổi khỏi võ đài, à quên, đuổi khỏi cầu trường ngay lập tức. Bật Hiếu thoát mắt trọng tài, nhưng bị Diệp phán quan trong Ban tổ chức buộc “thoái ẩn giang hồ” 3 trận. Bên Tây cũng không kém gì bên ta. Tại EURO 84, hậu vệ Manuel Amoros của tuyển Pháp lãnh “xích sát lệnh” khi dùng môn “thiết đầu công” đánh vào giữa mặt Jesper Olsen của tuyển Đan Mạch. Zinedine Zidane dùng “thiên cân trụy” đạp vào ngực một cầu thủ Saudi Arabia ở World Cup 98, cũng phải lãnh lệnh phù màu đỏ này. Cũng ở giải này, David Beckham dùng võ công “Địa đường quyền” khều một cú nhẹ hều vào khoeo chân Diego Simone của tuyển Argentina, cũng buộc phải... rửa chân gác bóng.
Sự nhầm lẫn giữa bóng đá và võ thuật, ôi thôi nói hoài không hết. Có cầu thủ lén lút hốt cảù nắm cát, chờ đối phương sơ ý để tung “độc sa chưởng” vào mắt. Có cầu thủ dùng “cầm nã thủ” bóp vào chỗ kín của hậu vệ kèm mình cho hắn ta “tẩu hỏa nhập ma” chơi. Còn ở trên khán đài của một số sân, khán giả lâu lâu lại cao hứng nổi lửa y như môn đồ “Bái hỏa giáo” của Trương Vô Kỵ, có nơi như sân Qui Nhơn, khán giả còn phóng hằng hà sa số những “phi tiêu, tụ tiễn, ngân đinh, kim châm, tật lê, thiết táo hạt, lưu tinh chùy”, thôi thì hổng thiếu thứ ám khí gì của giang hồ hắc bạch lưỡng đạo.
Cho nên mới nói, viết bình luận bóng đá ngày nay mà không một đượm một chút hơi hướm võ thuật thì khó mà lột tả hết cái thần của thời buổi nhiễu nhương trên sân bóng. Vì sân cỏ hiền lành kia những ngày này quả là nơi “ngọa hổ”, còn các khán đài mênh mông kia ai dám tin không phải là chỗ “tàng long”?
Chu Đình Ngạn