Brexit chờ “siêu thứ ba”

Ngày 20-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo đã nhận được bức thư của Anh đề nghị gia hạn Brexit và ông sẽ tham vấn các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề này.
Thất bại trước Hạ viện khiến kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Boris Johnson bị bế tắc. Ảnh: AP
Thất bại trước Hạ viện khiến kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Boris Johnson bị bế tắc. Ảnh: AP

Hai bức thư

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi 2 bức thư cho lãnh đạo EU. Trong bức thư đầu tiên, Thủ tướng Johnson đề nghị EU gia hạn Brexit lùi đến ngày 31-1-2020 theo Đạo luật Benn được Hạ viện Anh thông qua hồi tháng trước. Trong bức thư thứ hai, Thủ tướng Johnson gọi việc gia hạn Brexit như yêu cầu của Hạ viện Anh là một sai lầm; đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước EU yêu cầu các nghị sĩ Anh cân nhắc lại quyết định của họ và bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit đã được Anh và EU đạt được vào ngày 17-10 mà không có thêm bất cứ động thái trì hoãn nào khác. 

Theo luật, nếu Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit mới trong ngày 19-10, Thủ tướng Johnson sẽ phải đề nghị EU hoãn Brexit đến cuối tháng 1-2020. Còn nếu toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được quốc hội thông qua, ông Johnson vẫn có thể thực hiện Brexit đúng hạn chót 31-10.

Tuy nhiên, ngày 19-10, với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, Hạ viện Anh đã ủng hộ một đề xuất do cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ Oliver Letwin soạn thảo, theo đó không tiến hành bỏ phiếu trong ngày 19-10 về thỏa thuận Brexit mới đạt được giữa Thủ tướng Johnson và các nhà lãnh đạo EU cho đến khi toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được chính thức thông qua. Theo quy định của luật pháp Anh, Thủ tướng Johnson buộc phải yêu cầu EU gia hạn Brexit đến cuối tháng 1-2020.

Trong khi đó, nghị sĩ và các nhà ngoại giao EU đã có những phản ứng không mấy tích cực trước việc Hạ viện Anh quyết định trì hoãn bỏ phiếu thỏa thuận Brexit mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, một quyết định trì hoãn mới đối với việc đưa nước Anh rời khỏi EU “sẽ không đem lại lợi ích cho bất cứ ai”. Theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Pháp đã điện đàm với Thủ tướng Anh và chia sẻ quan điểm của ông về sự cần thiết phải nhanh chóng đưa ra một lời giải thích.

Vẫn chỉ… chờ

Các lãnh đạo EU không nhất thiết phải có câu trả lời ngay lập tức khi nhận được thư đề nghị gia hạn Brexit, nhiều khả năng họ muốn đợi xem điều gì sẽ xảy ra tại Hạ viện Anh vào ngày 22-10.

Ngày 19-10-2019 được coi là một ngày “siêu thứ bảy” với những tranh cãi và đồn đoán dồn dập về khả năng thỏa thuận Brexit mới sẽ được thông qua tại Hạ viện Anh, đặt một dấu mốc lịch sử cho cuộc chia tay giữa xứ sở sương mù và EU. Nhưng cuối cùng, điều đó đã không - hoặc ít nhất là chưa - xảy ra.

Với diễn biến mới nhất này, chính trường nước Anh vẫn tiếp tục tình trạng bế tắc và chia rẽ hơn bao giờ hết. Đã có 2 thỏa thuận Brexit khác nhau được trình ra Hạ viện Anh trong vòng 2 năm qua. Cựu Thủ tướng Anh Theresa May thất bại đến 3 lần và giờ đến lượt ông Boris Johnson. Nếu Hạ viện Anh không thông qua được thỏa thuận Brexit trong ngày 22-10, triển vọng nước Anh có hạ viện và chính phủ mới ngay trước Giáng sinh năm nay cũng cao hơn rất nhiều.

Theo giới quan sát, thách thức với Thủ tướng Anh lúc này là làm thế nào để cụ thể hóa được thỏa thuận Brexit đạt được khá vội vàng với EU ngày 17-10 thành những điều luật thực thi chặt chẽ có thể được Hạ viện Anh chấp thuận trong phiên họp ngày mai 22-10. Cũng theo giới phân tích, khả năng EU chấp thuận kéo dài Brexit sau ngày 31-10 là hoàn toàn có thể, bất chấp các tuyên bố cứng rắn của các lãnh đạo khối này.

Tin cùng chuyên mục