Trong mớ quà quê, người ta quý lắm trái cây miệt vườn, dẫu chẳng bao nhiêu, nhưng đó là chút tình chắt chiu của người gửi. Quả ngon trái ngọt muốn tặng nhau thì phải lựa trái đầu mùa, vừa hái trên cây, cái tình, thơm thảo là ở chỗ đó… Trái cuối mùa thường nhỏ, chỉ để trong nhà ăn, đem cho ai thì cũng thấy ngại trong lòng.
Câu hát ru Gió đưa bụi chuối sau hè cứ văng vẳng theo dòng nước Cửu Long, tiếng ầu ơ vọng lại dưới những mái nhà, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ lớn lên nơi miệt vườn. Chẳng ai nhớ mà cũng chẳng phải mất công để tìm hiểu lịch sử cây chuối có từ bao giờ, chỉ biết rằng, thuở còn nằm nôi, người ta lớn lên cùng lời ru bụi chuối sau hè. Đám nhỏ tuổi lên năm, lên bảy chạy giỡn quanh nhà, hay chơi trò năm mười mười lăm, thì thế nào cũng có đứa núp đằng sau bụi chuối.
Chuối cũng dễ chịu, phần nào cũng dùng được, thân chuối non hay bắp chuối thường làm món gỏi, đủ vị chua chát để nhâm nhi vài xị đế. Chuối chín thì ăn sống, người bệnh, hay người mới sinh thường luộc lên ăn cho lành. Lá chuối ứng biến đủ kiểu, tùy thuộc vào độ khéo tay của các bà, các mẹ mà lá chuối gói đủ thứ bánh khác nhau.
Nếu phải xếp hạng thì có lẽ bánh ít, bánh tét là ứng dụng hàng đầu của lá chuối. Nhà có giỗ hay chuẩn bị gói bánh tết, tía má thường sai sắp nhỏ ra sau hè rọc lá chuối, phơi qua nắng để lá héo vừa đủ độ mềm và dẻo, bọc lấy hạt nếp, miếng bột… Bánh gói lá chuối khi hấp hoặc luộc chín, mùi bột, mùi nếp, đậu xanh quyện cùng mùi lá chuối, chưa ăn nhưng nghe mùi cũng đủ thèm. Hay món xôi bắp nóng được gói lá chuối, cũng khiến mùi thơm tăng thêm gấp bội so với việc đựng trong hộp nhựa. Trái chuối cũng được biến tấu với đủ món bánh, món chè. Hoặc đơn giản hơn, chuối chín đem ép mỏng rồi phơi khô, miếng chuối dai dai, thấm đẫm mật ngọt từ ruột chuối tươm ra, cũng thành món ngon để nhâm nhi cùng bình trà nóng.
Những năm đại học, trong hành trang mỗi bận từ quê lên, túi đồ của bạn tôi được má gói ghém mỗi thứ một ít. Mớ bánh trái, mớ đồ ăn nấu sẵn và lúc nào cũng có một, hai nải chuối vừa hườm hườm… Không cần phải theo mùa, theo tháng, nhà quê chuối mọc quanh năm, nên mớ quà quê luôn kèm theo vài ba nải chuối.
Đám bạn chia nhau cái bánh ít, đòn bánh tét, còn nải chuối sứ trong diện nằm chờ, một hai ngày sau vừa chín kịp ăn, thì cũng hết sạch trong cữ trưa. Không cần phải chia, vì mỗi đứa bẻ một trái, hết giờ cơm trưa thì một hay hai nải chuối cũng xong.
Trong nhịp sống hiện đại, người ta cũng bắt đầu làm nhiều món đồ thủ công mỹ nghệ từ chuối, cây chuối quê nhà bỗng chốc biến tấu thành món đồ lưu niệm sang tận trời tây. Nhưng nơi quê nhà, chuối vẫn hiền hòa mọc sau hè, để rồi đâu đó trong dòng đời ngược xuôi, bắt gặp cái bánh gói lá chuối, nải chuối vàng ươm, ngọt lịm, người ta lại nhớ về câu hát ru miệt vườn: Gió đưa bụi chuối sau hè.