Bùng nổ tràn lan lễ hội

Cả nước hiện có khoảng 8.900 lễ hội lớn nhỏ từ cấp làng xã đến quy mô toàn quốc, trong đó có trên 7.000 lễ hội dân gian, 400 lễ hội lịch sử cách mạng, 1.399 lễ hội tôn giáo, 64 lễ hội văn hóa du lịch và ngày hội văn hóa, 25 lễ hội từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam… Số lượng lễ hội mỗi năm mỗi tăng và gần đây bùng nổ tràn lan, có dấu hiệu khó kiểm soát và thiếu định hướng.

Năm nay, hàng loạt lễ hội, liên hoan, ngày hội văn hóa, festival du lịch diễn ra dồn dập ở các tỉnh, thành: Lễ hội Lăng Cô - huyền thoại biển, lễ hội “Thuận An biển gọi”, lễ hội “Bạch Mã - hành trình đỗ quyên”, lễ hội văn hóa - du lịch Nhịp cầu xuyên Á - Quảng Trị, lễ hội cầu ngư Phan Thiết, lễ hội hoa cưới 2007 tại Hà Nội, lễ hội nhạc tài tử cải lương tại Cần Thơ, lễ hội trái cây Nam bộ, Ngày hội văn hóa người Hoa; các festival nghề và liên hoan du lịch ở Huế, liên hoan du lịch biển Nha Trang, Đà Nẵng biển gọi 2007, gặp gỡ Bà Nà, hành trình di sản Quảng Nam 2007, Festival hoa Đà Lạt... Năm 2007, có khoảng 30 lễ hội lớn đăng ký chính thức, bình quân mỗi tháng có 2,5 lễ hội.

Trong quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ban hành kèm QĐ 308/2005/QĐ-TTg ngày 25-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định khi tổ chức lễ hội phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi thương mại hóa và các hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội. Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế cho thấy nhiều nơi chưa chấp hành nghiêm chỉnh.

Mảng lễ hội dân gian như vía bà Núi Sam Châu Đốc, chùa Bà Bình Dương, lễ hội lăng Lê Văn Duyệt, lễ hội Tuệ Thành hội quán quận 5, lễ hội Thầy Thím Phan Thiết… đã có từ lâu đời và hàng năm người dân vẫn đi đông nườm nượp là do yếu tố tâm linh. Lễ hội dân gian nên trả về với mô hình lễ hội thuần túy theo đúng vóc dáng của nó đã qua sự sàng lọc của thời gian. Giá trị của nó là giá trị của tâm thức ngàn đời trong cộng đồng cư dân, là những nghi lễ, hội hè đã được tổ chức hoàn chỉnh cả hình thức, nội dung, thời điểm, với mục đích bảo tồn di sản văn hóa. Với những lễ hội dân gian có yếu tố tâm linh phải có sự điều chỉnh những hủ tục lạc hậu, tệ mê tín dị đoan, nhưng không can thiệp sâu làm biến dạng lễ hội.

Việc tổ chức lễ hội mới (lễ hội cách mạng) rất cần thiết trong thời điểm hội nhập và phát triển đất nước hiện nay, nhưng mỗi địa phương, mỗi nơi cần xác định thời điểm thuận lợi, tiêu biểu nhất cho việc tổ chức. Ví dụ tại TP Hồ Chí Minh trong dịp lễ 30-4 nếu không tổ chức lễ hội cách mạng (như lễ hội “Hòn ngọc tỏa sáng” nhân 30 năm giải phóng TP) thì người dân cũng tự phát đổ ra đường ăn mừng. Đây là niềm tự hào dân tộc đòi hỏi ngành văn hóa phải đứng ra tổ chức.

Việc tổ chức nhiều lễ hội cùng lúc hoặc thời gian quá gần nhau khiến du khách bị phân tán, gây khó khăn cho các nhà tổ chức tour du lịch. Nhiều lễ hội thiếu hẳn sự chuyên nghiệp, hình thức và nội dung na ná nhau, thậm chí nặng về phục vụ các quan chức, đại biểu. Các lễ hội dân tộc truyền thống, lịch sử cách mạng như lễ hội Đền Hùng, lễ hội chiến thắng Đống Đa, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, lễ hội văn hóa du lịch Đất phương Nam, lễ hội “Hòn ngọc tỏa sáng” nhân dịp 30-4... được tổ chức có hiệu quả nhưng lại chưa phát huy hết giá trị giáo dục truyền thống của nó. Bên cạnh đó có nhiều lễ hội giá trị văn hóa xã hội không cao gây tốn kém đến mức lãng phí vẫn tiếp tục tồn tại… 

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục