Củ Chi ngày nay không còn là vùng đất thép đơn thuần được nhiều người biết đến bởi những chứng tích chiến tranh. Vùng đất ngoại thành đầy khó khăn thiếu thốn sau ngày giải phóng nay trở nên năng động, hiện đại thu hút đầu tư với khu công nghiệp, nhà máy mọc lên san sát. Sự thay đổi của đất thép Củ Chi một phần bắt nguồn từ sự đổi mới, thay da đổi thịt của ngành giáo dục đào tạo địa phương.
Vừa rời giảng đường đại học, thầy giáo trẻ Lê Hồng Sơn lập tức đầu quân về Trường THPT Quang Trung vừa thành lập còn thiếu thốn đủ bề. “Nhiệt huyết của tuổi trẻ giúp tôi háo hức vượt 56km trên chiếc xe đạp cũ từ nhà đến trường để được đứng trên bục giảng với những học trò nghèo. Mỗi ngày qua đi, chúng tôi được sống trong sự yêu thương, bảo bọc của những đồng nghiệp tận tụy và người dân nghèo khó”, thầy Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhớ lại. Chính kinh nghiệm 5 năm giảng dạy đầu tiên nơi đất thép đã cho tôi nền tảng vững chắc không chỉ ở chuyên môn giảng dạy mà còn trong công tác quản lý.
Nhậm chức hiệu trưởng từ ngày Trường THPT Quang Trung vừa mới thành lập (1989), thầy Lê Đình Hoe kể lại: Khi ấy, ngôi trường được bàn giao chỉ với một dãy 10 phòng học trên bãi đất trống, không cây xanh, không một giếng nước, không có hàng rào xung quanh, vật tư ngổn ngang do phải vừa xây dựng vừa dạy học. Năm học đầu tiên chỉ có 8 lớp với 26 cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên. Từ ngày thành lập đến nay, chưa năm nào trường đủ giáo viên, phần lớn GV được phân công về trường là người nội thành hoặc từ huyện khác đến. Cái khổ chồng thêm cái khó nên khi GV vừa vững tay nghề, đủ niên hạn lại xin chuyển đi, trường phải thỉnh giảng GV trường bạn về hỗ trợ. Học trò đa phần đều là con em gia đình nghèo, khó khăn nên đến trường với tấm áo chẳng lành nhưng lại siêng học…”.
Và đó chính là lý do níu chân thầy ở lại, cũng là lý do để thầy dốc sức gầy dựng ngôi trường với chừng đó năm tháng làm người “đứng mũi chịu sào”. Trời không phụ lòng người, hôm nay, ngôi trường Quang Trung của thầy đã có 30 lớp, 1.300 HS và 72 cán bộ, GV, nhân viên, trở thành một trong những ngôi trường đẹp nhất vùng ven ngoại thành với những dãy lầu 3 tầng, có đầy đủ phòng chức năng, sân thể thao… mà bao học trò vùng ven hằng mơ ước.
Nhưng sự thay da đổi thịt của vùng đất Củ Chi không chỉ là những ngôi trường được bê tông hóa. Năm 2009, vùng đất trắng về giáo dục ngày nào đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập bậc trung học. Giờ đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của huyện vùng ven lại cao hơn so với mặt bằng chung của TP. Không chỉ phát triển giáo dục phổ thông, vùng đất ngoại thành còn quyết tâm đổi đời bằng nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển kinh tế tri thức.
Hàng năm, Củ Chi có trên 1.000 học sinh đậu vào các trường ĐH-CĐ và hầu hết sau khi tốt nghiệp đều trở về quê hương công tác. Ông Lê Hùng Sen, Trưởng phòng Giáo dục huyện Củ Chi, phấn khởi chia sẻ: Đã qua rồi thời khó khăn gian khổ khi người dân đa phần đều ít học, mù chữ. Củ Chi đã xây dựng được một xã hội học tập, ngoài việc phát triển hệ thống giáo dục phổ thông toàn diện, huyện còn có 21 trung tâm học tập cộng đồng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân
TIÊU HÀ