Bước chuyển trong xây dựng nếp sống văn minh

Tết Nguyên đán 2018 đánh dấu bước chuyển biến trong xây dựng, giữ gìn nếp sống lành mạnh, văn minh, sạch đẹp tại các khu dân cư trên địa bàn TPHCM. Nhiều khu dân cư khoác diện mạo mới, giảm hẳn tình trạng vứt rác bừa bãi, cờ bạc, đá gà. An ninh trật tự, mỹ quan đô thị đều được đảm bảo… 
Diện mạo mới
Được mệnh danh là nơi tập trung, sinh sống của nhiều tay “anh chị”, mỗi dịp tết đến, nơi đây thường xảy ra nhiều tệ nạn như cờ bạc, đá gà… Thế nhưng, trong dịp Tết Nguyên đán 2018, nhiều tuyến hẻm trên đường Tôn Đản (quận 4, TPHCM) lại được trang hoàng đón tết rất văn minh, lịch sự.
Đến hẻm 266 Tôn Đản (phường 8), nhiều người bất ngờ khi nơi đây được trang trí đón tết rất đẹp mắt. Dọc con hẻm lớn và nhiều nhánh nhỏ của con hẻm này được trang trí các bóng đèn màu và cả cờ hoa, giúp con hẻm sáng rực suốt những ngày tết.
Bà Nguyễn Thị Ba (ngụ số 266/94/7 Tôn Đản) cùng các bạn đồng niên thong thả ngồi ăn bánh, uống trà trước sân nhà. Bà Ba nói: “Năm nay con hẻm được gắn đèn nên không khí tết trong hẻm nhỏ cũng rộn ràng hơn. Chiều tối tụi nhỏ chạy ra đây bày các trò chơi khiến cả khu phố trở nên nhộn nhịp”.
Bước chuyển trong xây dựng nếp sống văn minh ảnh 1 Một con hẻm ở phường 2, quận 3 được trang trí cổng chào đẹp mắt. Ảnh: KỲ LÂM
Để có được con hẻm sáng và sạch đẹp trong dịp tết, những ngày trước tết, với sự vận động của tổ trưởng, bà con trong khu phố đã góp tiền để cùng nhau mua dây đèn màu về trang trí. Nhiều người, sau khi xong việc nhà cũng tham gia gắn đèn, trang trí cờ hoa.
Trong những ngày tết, nhờ sự ý thức của người dân nên con hẻm luôn giữ được vệ sinh sạch sẽ, không xảy ra tình trạng tụ tập đánh bài, đá gà như nhiều tết trước. 
Tại khu vực Bàn Cờ (thuộc địa bàn phường 2 và phường 3, quận 3, TPHCM), nhiều con hẻm được trang trí cổng chào, gắn lồng đèn, hoa rực rỡ. Người dân ở đây cho biết, hàng năm địa phương tổ chức thi trang trí, thiết kế cổng chào, đường hẻm khang trang đón tết.
Rất nhiều khu dân cư hưởng ứng, trang hoàng đường sá, dựng cổng chào để “cạnh tranh” giải thưởng. Nhiều hẻm giữ nguyên quang cảnh trang hoàng như vậy cho tới rằm tháng Giêng. Việc treo cờ Tổ quốc cũng trở thành việc làm không thể thiếu của bà con nơi đây.
Cận tết, mọi nhà đều tự giác mang cờ đỏ sao vàng ra treo trước cổng nhà. “Cứ một nhà mang ra treo, nhà khác thấy cũng làm theo. Riết rồi thành thói quen chung. Chỉ một số ít gia đình đã chuẩn bị cờ nhưng bận buôn bán, chưa kịp treo thì tôi đến nhà nhắc. Nghe xong họ mang ra treo luôn. Ngày lễ hay tết là cả khu phố rợp bóng cờ”, bà Nguyễn Thị Kim Anh, tổ trưởng Tổ dân phố 15 (phường 2, quận 3), bộc bạch. 
Đặc biệt, các hộ dân đều có ý thức phân loại rác tại nhà, không vứt rác bừa bãi. Trước 9 giờ sáng hàng ngày, 37 hộ gia đình thuộc tổ dân phố 15 mang rác để gọn vào một góc trước cổng nhà, chờ xe rác đến thu gom. Hầu hết các túi rác đều được cột chặt, không túi nào bị rách hở miệng.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh cho hay, trước tết UBND phường đã phổ biến rất kỹ về cách thức phân loại, xử lý rác. Những rác khó phân hủy bỏ vào bao màu đen, loại dễ phân hủy bỏ vào bao màu xanh. Mọi túi rác phải buộc kín để tránh bốc mùi gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 
Gắn kết giữ an ninh trật tự, mỹ quan đô thị
Tết Mậu Tuất này cũng như nhiều dịp lễ khác, nhiều hộ dân ở hẻm 54 Diệp Minh Châu, khu phố 6, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú có thể đi chơi xa mà không cần lo lắng bởi ngoài hệ thống camera an ninh được lắp đặt, hàng xóm trong khu cũng sẵn sàng trông nhà giúp nhau.
Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, gắn kết từ khi mọi người cùng nhau góp tiền mua xi măng, bỏ ngày công để cuốc đất, trồng cây, xây một công viên dài 55m, rộng 12m ở đoạn giữa hẻm. Ông Nguyễn Tôn Tăng (Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố 6, ngụ 54/11 Diệp Minh Châu) chia sẻ, ở khu dân cư này, 46 hộ dân đều biết nhau tường tận, có chuyện vui buồn gì cũng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Từ ngày có công viên tự quản, mỗi sáng người dân chia thành các nhóm ra công viên tập thể dục, dưỡng sinh, yoga; ngày chủ nhật lập 2 bàn trà để mọi người tâm tình, trò chuyện. Ý thức được phải giữ gìn công viên cũng như khu dân cư xanh - sạch - đẹp, mỗi ngày người dân trong hẻm thay phiên cùng nhau quét lá, tưới cây, cắt cỏ.
Nhiều nơi như quận Thủ Đức, quận 9… nhà cửa còn thưa vắng. Trong khi đó, vào dịp tết nhiều người lại về quê, đi du lịch nên hầu hết các nhà đều đóng cửa. Đây là điều kiện thuận lợi cho bọn trộm hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Hoa (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) cho biết, có thời gian trộm liên tục viếng khu vực bà ở. Thời gian gần đây, công an phường phối hợp với dân phòng, bảo vệ dân phố tăng cường tuần tra nên tình hình an ninh đã cải thiện tích cực. 
Bước chuyển trong xây dựng nếp sống văn minh ảnh 2 Người dân quét rác ở công viên trong hẻm 54 Diệp Minh Châu
“Hơn ai hết, người dân chúng tôi phải chủ động phối hợp tự bảo vệ tài sản của mình”, ông Trần Thanh Lịch (ngụ ở hẻm 15 đường Ụ Ghe, phường Tam Phú, quận Thủ Đức) chia sẻ.
Người dân trong xóm, nơi ông Lịch ở, đã tăng tính đề phòng hơn và hình thành một “thông lệ bất thành văn” là những người không về quê ăn tết thì trông chừng giùm nhà hàng xóm.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Lịch còn cho hay, trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, bà con trong xóm cũng thống nhất luân phiên tổ chức tất niên từng nhà. Đây cũng sẽ là một nếp sinh hoạt của xóm.
Theo đó, cứ nhà nào trong xóm (có thể sẽ phải bốc thăm chọn thứ tự) tổ chức tất niên thì những nhà khác sẽ hỗ trợ cùng đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp. Đương nhiên, những người trong xóm đều được mời tất niên và bị “nghiêm cấm” mang theo quà cáp, bia rượu…
“Chính sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần tình làng, nghĩa xóm như vậy nên an ninh trật tự được ổn định và mỹ quan đô thị của xóm được đảm bảo. Người dân trong xóm cũng chung tay góp tiền tu sửa con hẻm trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Sắp tới, chúng tôi còn có kế hoạch cùng đầu tư hệ thống camera để phòng người trộm tốt hơn”, ông Trần Thanh Lịch nói.

Tin cùng chuyên mục