
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang hoàn thiện cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu hoạt động mới. Trong mô hình mới, mọi quan hệ, cấu trúc đã khác trước và gần với mô hình tập đoàn thế giới. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex.
- Phóng viên: Thưa ông, nhiều người cho rằng việc thành lập Tập đoàn Dệt may Vinatex dường như chỉ là thay cái áo mới chứ chưa có gì mới trong mô hình này, thực chất Tập đoàn Vinatex sẽ như thế nào?
- Ông VŨ ĐỨC GIANG: Chúng tôi đang chuẩn bị trình Chính phủ bản dự thảo điều lệ, quy chế cho mô hình hoạt động của tập đoàn dệt may, đặc biệt là các cơ chế hoạt động phù hợp với yêu cầu cạnh tranh và hội nhập.
Về cơ bản, mô hình tập đoàn hoàn toàn có tính đột phá về tổ chức, mối quan hệ tài chính và cơ chế hoạt động. Trong đó, tập đoàn đầu tư vốn cho công ty con trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có thể điều chuyển vốn đó đầu tư sang hoạt động khác có yêu cầu và hiệu quả cao. Tập đoàn không nhúng sâu vào công việc của các doanh nghiệp mà mình đầu tư như kiểu trước đây.
Tức là tập đoàn chỉ đạo thông qua người đại diện vốn của mình trong hội đồng quản trị (HĐQT) nhóm ngành hàng, chứ không can thiệp trực tiếp đến hoạt động của giám đốc doanh nghiệp như trước đây, kể cả công tác nhân sự và tổ chức. Người có trách nhiệm cao nhất trong tập đoàn chính là chủ tịch HĐQT và chính chủ tịch HĐQT là người thuê hoặc bổ nhiệm tổng giám đốc và tổng giám đốc thuê bộ máy quản lý của mình từ phó tổng giám đốc trở xuống.
- Có cơ chế bảo đảm cho giám đốc rộng tay điều hành công việc hay không? Có lúc dư luận cho rằng một số doanh nghiệp của Vinatex đang khó khăn, thậm chí thua lỗ ...
- Cho phép thuê giám đốc tất nhiên phải xem xét phương án và có các cơ chế biện pháp cho giám đốc toàn quyền điều hành đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tất nhiên đi cùng trách nhiệm thì quyền lợi cũng phải tương xứng. Có thể thuê giám đốc với giá lương cao như với nước ngoài và hưởng tỷ lệ % trên lợi nhuận sau thuế chẳng hạn… Ngay cả tôi, nếu được thuê làm giám đốc mà sau hai năm không làm ăn có lãi cũng phải chất dứt hợp đồng ra đi.
Quả thật, có lúc dư luận và phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo tình trạng một số doanh nghiệp của Vinatex làm ăn không tốt, quản lý lỏng lẻo và có nguy cơ thua lỗ cao. Trước sự cảnh báo này, lãnh đạo Vinatex đã nhanh chóng và quyết liệt tiến hành cải tổ lại bộ máy các doanh nghiệp. Chúng tôi dùng chữ “quyết liệt” vì chỉ trong một thời gian ngắn Vinatex đã thay đổi hàng loạt giám đốc doanh nghiệp, tiến hành điều chuyển người phù hợp với công việc mới và xử lý tài chính.
Quá trình cải tổ bộ máy đụng chạm đến con người, đến quyền lợi, nên không phải là đơn giản. Song song với giải pháp cơ cấu lại bộ máy là các hoạt động tập trung chuyển đổi mô hình, với hàng loạt doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa và chuyển các doanh nghiệp còn lại thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 3 doanh nghiệp tập trung chuyển mô hình thành công ty mẹ - con là May Việt Tiến, Dệt Phong Phú và Dệt Hà Nội.
Đồng thời, Vinatex đã thực hiện chuyên môn hóa trong sản xuất, tức là các bộ phận may trong doanh nghiệp dệt phải được tách ra và cổ phần hóa; các doanh nghiệp dệt còn lại được phân ngành ra để tập trung vào sản xuất các mặt hàng chuyên biệt là sợi, dệt và nhuộm. Thậm chí trong dệt còn phân biệt dệt kim riêng và dệt thoi riêng. Để làm điều này, Vinatex đã điều chuyển vốn, tài sản, thiết bị của từng doanh nghiệp về nơi cần để khai thác hiệu quả nhất.
Từ những nỗ lực này mà các doanh nghiệp đã từng bị dư luận lo ngại như Thắng Lợi, Phước Long, Việt Thắng, Phương Đông… sau khi xốc lại bộ máy, giao quyền chủ động, tiến hành đầu tư bổ sung hoàn thiện dây chuyền sản xuất đến nay đã làm ăn có lãi hoặc hòa vốn. Có thể thấy điều này qua kết quả nhiều chương trình đang mang lại hiệu quả là hệ thống siêu thị Vinatex Mart đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa; kim ngạch xuất khẩu tăng, trong đó thị trường EU tăng gấp 3 lần, Nhật Bản tăng 2 lần, Canada tăng gấp đôi… Vải dệt kim chất lượng cao đã tăng 1,5 lần, dệt thoi tăng cao.
- Ông có tin mô hình tập đoàn sẽ mang lại sức mạnh mới?
- Đây là điều chắc chắn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chỉ đạo đầu tư đào tạo các nhà thiết kế mẫu. Có đội ngũ thiết kế mới cho ra mẫu nhanh, tính được giá thành để chào khách hàng trong thời gian ngắn nhất, đó là một trong các yếu tố quyết định thành công khi giành hợp đồng. Đồng thời Vinatex tiếp tục thực hiện chuyên môn hóa sâu trong sản xuất, như hình thành hai trung tâm nhuộm Phố Nối ở phía Bắc và Thủ Đức ở phía Nam, tập trung vải Denim (vải jean) cho Dệt Phong Phú…
Như vậy sẽ có điều kiện khai thác tối đa thiết bị, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nên hiệu quả hơn. Đồng thời, Vinatex cũng tiến hành một số dự án đầu tư quan trọng để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững như đầu tư một số nhà máy sản xuất nguyên liệu, kể cả sản xuất xơ để kéo sợi polyester từ công nghiệp hóa dầu; đầu tư một số nhà máy dệt thoi cao cấp…
- Xin cảm ơn ông.
VĂN THIÊN LỘC thực hiện