Xiếc chủ đề “Sơn Tinh - Thủy Tinh”

Bước đột phá của nghệ thuật xiếc

Bước đột phá của nghệ thuật xiếc

Ngày 20-9, lần đầu tiên Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã cho ra mắt chương trình xiếc chủ đề “Sơn Tinh - Thủy Tinh” có thời gian diễn xuất kéo dài tới 75 phút và thu hút được số nghệ sĩ tham gia hơn 100 người. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định đây là một bước đột phá đối với nghệ thuật xiếc.

“Khán giả tới rạp không chỉ được thưởng thức những tinh hoa của nghệ thuật xiếc mà còn được tham gia vào nhịp sinh hoạt cộng đồng của người Việt thời vua Hùng dựng nước” - NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đã khẳng định như vậy khi giới thiệu về chương trình xiếc chủ đề “Sơn Tinh - Thủy Tinh”. Xoay quanh cốt truyện thần thoại “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, hàng loạt các diễn biến sân khấu đã được các nghệ sĩ xiếc thể hiện bằng ngôn ngữ rất đặc thù.

Bước đột phá của nghệ thuật xiếc ảnh 1
Một cảnh trong chương trình xiếc “Sơn Tinh - Thủy Tinh”.

Vốn đã quen chia nhỏ chương trình xiếc thành nhiều tiết mục biệt lập, các nghệ sĩ xiếc khi tham gia “Sơn Tinh - Thủy Tinh” phải học cách làm việc tập thể và cùng nhau biểu diễn.

Nếu binh lực của Thủy Tinh là thuồng luồng, ba ba, cá sấu, chằn tinh... tha hồ xưng hùng trên sân khấu nước thì chim muông thống trị trên bầu trời và thú vật oai hùng dũng mãnh kiểm soát toàn bộ vùng núi cao.

Khả năng tận dụng các thang bậc cao thấp trên sân khấu khiến chương trình xiếc trở nên sinh động và có nhịp điệu.

Các tiết mục tham gia: tung hứng, thăng bằng trên dây, đu tiên, tung hứng, mềm dẻo... đã được lồng vào cốt truyện thần thoại đã làm câu chuyện về chàng Sơn Tinh - Thủy Tinh trong cuộc đua rước công chúa Mỵ Nương về làm vợ càng thêm màu sắc huyền thoại.

Nếu Sơn Tinh có tài điều voi, khiển mã với các tiết mục nhào lộn, đu dây làm chủ núi rừng thì Thủy Tinh cũng không kém cạnh với tài hô phong hoán vũ, biến hóa khôn lường.

Trước khi chương trình được công diễn, nhiều người còn cảm thấy hồ nghi liệu với kết cấu có cốt truyện có làm nghệ thuật đặc thù mang tính ước lệ, ly kỳ của xiếc bị lu mờ...

Thực tế, khán giả vẫn được thưởng thức một chương trình xiếc có nội dung chứ không phải xem kịch xiếc! Hơn nữa, nhờ có xiếc thú mà việc thể hiện nội dung truyền thuyết giữa thần sông và thần núi đã được thể hiện thật sinh động với những màn biểu diễn cùng chằn tinh, cá sấu trên sân khấu nước và những vũ điệu đầy hấp dẫn của khỉ, dê, voi, ngựa...

Khán giả được dẫn dắt từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi những tiết mục tưởng chừng đã quá quen thuộc với nghệ thuật xiếc như leo cây, trồng cây chuối, uốn dẻo, tung hứng... cũng trở nên có hồn.

Đạo diễn chương trình - NSƯT Duy Ánh - tâm sự: Việc biểu diễn cùng một lúc trên sân khấu nước và sân khấu cạn khiến diễn viên gặp nhiều khó khăn.

Riêng đối với vai diễn Sơn Tinh do nghệ sĩ Tống Toàn Thắng thể hiện còn đòi hỏi sự đa dạng trong kỹ thuật biểu diễn từ xiếc thú tới uốn dẻo, nhào lộn...

Không chỉ thế, việc nhiều tiết mục cùng biểu diễn trên sân khấu cũng là một trong những thử thách mà người nghệ sĩ của môn nghệ thuật xiếc vốn ít quen với những biến động của môi trường diễn phải học cách thích nghi.

Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc VN bằng tài năng, trí tuệ của mình đã tạo ra bước đột phá trong nghệ thuật chính nhờ truyền thuyết. 

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục