IMF và Mỹ đang thúc đẩy một chiến dịch quy mô quốc tế để tài trợ cho kế hoạch phục hồi kinh tế thông qua tăng thuế đối với các doanh nghiệp giàu có “ăn nên làm ra” trong thời dịch Covid-19. Kế hoạch trên cũng nhận được sự ủng hộ của Pháp và Đức. Các bên đều cho rằng, các nền kinh tế lớn nên nhất trí một mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp trốn thuế bằng cách thành lập trụ sở tại những quốc gia có mức thuế thấp hơn, biện pháp mà các công ty công nghệ hiện nay đang áp dụng.
IMF đã ủng hộ ý tưởng trên và cho rằng việc áp mức thuế cao hơn đối với những doanh nghiệp và cá nhân giàu có, ngay cả khi chỉ áp dụng tạm thời, cũng có thể tài trợ cho các chính sách cần thiết nhằm đảm bảo phục hồi sau đại dịch. Người đứng đầu bộ phận tài chính của IMF Vitor Gaspar cho rằng, tổ chức này kêu gọi áp dụng một mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu nhằm ngăn chặn cuộc đua tìm mức thuế suất thấp nhất. Dự kiến, một thỏa thuận về vấn đề này sẽ đạt được vào tháng 7 tới.
Tham gia vào nỗ lực tiến tới thỏa thuận thuế toàn cầu còn có Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tổng Thư ký OECD Angel Gurria cho rằng, đây là “cơ hội duy nhất” trong năm nay nhằm thúc đẩy chính sách chống thất thu thuế và đảm bảo việc đánh thuế công bằng đối với các công ty đa quốc gia, trong đó có cả các công ty kỹ thuật số. Theo ông Gurria, thỏa thuận có thể giúp tăng nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu lên tới 100 tỷ USD mỗi năm. Để đạt được mục tiêu đánh thuế công bằng, OECD chủ trương chống lại các hoạt động hợp lý hóa thuế và tối ưu hóa nộp thuế vốn được coi là hoàn toàn hợp pháp theo luật lệ hiện hành.
Trong năm 2020, OECD đã tiến hành điều tra về thất thu thuế của các tập đoàn đa quốc gia và giới siêu giàu, những người chọn đặt tài sản tại các nước có mức thuế rất thấp, thậm chí bằng 0 trên thế giới. Kết quả cho thấy mức thiệt hại thất thu thuế lên đến 427 tỷ USD trên toàn cầu. Trong đó, các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế tổng cộng 245 tỷ USD, các cá nhân trốn thuế 182 tỷ USD.
Cũng theo số liệu của OECD, phía thiệt hại lớn nhất vẫn là các quốc gia nghèo đang phát triển. Ví dụ Sudan hay Cộng hòa Trung Phi, thiệt hại đến hơn 1/4 tổng thu thuế quốc gia, trong khi Pháp và Đức chỉ thiệt hại tương đương 3%. Có 4 nơi được hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động trốn thuế là quần đảo Cayman (vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh), Luxembourg, Thụy Sĩ và Hà Lan, chiếm đến gần 45% tổng số tiền trốn thuế toàn cầu.